Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản: Vì một nghề cá có trách nhiệm
Nhằm gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), tỉnh ta đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hướng đến phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Lực lượng CSGT đường thủy tuần tra, kiểm soát tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn.
Để quản lý nghề biển phát triển bền vững, đến nay Bộ NN&PTNT đã cấp cho tỉnh ta 3.118 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng khơi. UBND tỉnh cũng đã công bố 2.997 hạn ngạch giấy phép KTTS tại vùng lộng và vùng ven bờ theo quy định của Luật Thủy sản.
Ngư dân Bùi Thanh Ninh, ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), chủ đội tàu 13 chiếc đánh bắt xa bờ, cho biết: “Tôi rất ủng hộ quy định cấp hạn ngạch giấy phép KTTS theo luật định. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần quan tâm tháo gỡ các vướng mắc những chuyện liên quan đến hạn ngạch, đầu ra tiêu thụ sản phẩm để ngư dân yên tâm bám biển”.
Theo quy định, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Tỉnh ta hiện mới chỉ có 70 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện còn 2.976 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m, trong đó có 1.385 tàu làm nghề câu cá ngừ và nghề lưới kéo cũng buộc phải lắp đặt thiết bị này trước ngày 1.1.2020 và 1.591 tàu làm nghề khác phải lắp đặt trước ngày 1.4.2020.
Ngư dân Phạm Chiên, ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), chủ tàu cá BĐ 93746 TS, kiến nghị: “Ngành chức năng cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết bị giám sát hành trình phù hợp quy định để ngư dân tự trang bị. Chứ ngư dân tự mua lắp đặt sau đó không đúng loại theo quy định thì rất kẹt!”.
Mặc dù tỉnh ta đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng tàu cá KTTS trên biển vi phạm vùng biển nước ngoài, như: Tổ chức kiểm điểm, cảnh cáo chủ tàu, thuyền trưởng khi tàu về bờ, không xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác trong chuyến biển tàu cá vi phạm, thu hồi giấy phép KTTS không thời hạn, cắt chế độ hỗ trợ nhiên liệu... nhưng tình trạng vi phạm vẫn chưa chấm dứt. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 13 tàu cá/89 thuyền viên bị lực lượng chức năng các nước ngoài bắt giữ, trong đó có 2 tàu xuất bến tại Bình Định, 11 tàu cá xuất bến tại các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, có 48 lượt tàu cá vi phạm bị phát hiện thông qua hệ thống Movimar và 2 tàu bị lực lượng kiểm ngư Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cảnh báo vi phạm tại khu vực biển phía Nam.
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), từ ngày 5.7.2019, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chính thức có hiệu lực, mức phạt sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với quy định hiện hành đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, không ghi nhật ký KTTS… Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung, như: Tịch thu tàu cá vi phạm; không cấp phép đóng mới tàu cá, giấy phép KTTS cho những người trong gia đình có tàu cá vi phạm…
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy sản trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo Sở NN&PTNT, chính quyền các địa phương ven biển thực hiện các biện pháp quản lý tàu cá ra vào cảng, tàu cá thiếu giấy tờ hoạt động KTTS, tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động KTTS ven bờ; quản lý tàu cá KTTS ngoài tỉnh, quản lý tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy khi hoạt động trên biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy sản, phải làm quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU; vận động các chủ tàu bổ sung giấy tờ KTTS đầy đủ theo quy định, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình; chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cảng cá. Đối với các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là có chủ đích, ngư dân vì lợi ích kinh tế mà cố tình vi phạm, các trường hợp này cần được xử lý nghiêm.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN