Ngăn ngừa nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số tại An Lão:
Lúng túng trong giải pháp
Theo thống kê của UBND huyện An Lão, tự tử hiện đang là vấn nạn nhức nhối. Số lượng người chết do tự tử ở An Lão hiện còn cao hơn cả các nguyên nhân khác như bạo lực, tai nạn. Trong khi đó các cơ quan chức năng còn lúng túng trong các giải pháp ngăn ngừa.
Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào thiểu số ở Bình Định” do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức tại huyện An Lão ngày 20.3. Ảnh: HỮU BÁ
Từ năm 2001 đến năm 2010, toàn huyện An Lão xảy ra 128 trường hợp tự tử, làm 53 người chết. Năm 2011, có 5 người chết vì tự tử; năm 2012 có thêm 2 người chết vì nguyên nhân này, chưa tính các trường hợp được cứu sống khác. Trong quý I năm 2013 tiếp tục xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người. Bình quân, mỗi năm An Lão có khoảng 12 người có hành vi tự tử, chủ yếu tập trung ở các xã An Quang, An Hưng, An Dũng, An Trung và An Vinh.
Mỗi năm có 12 người tự tử
Đáng chú ý, phần lớn người tự tìm cái chết đều nằm trong độ tuổi lao động (nhóm tuổi 18-30 chiếm gần 50%); trong đó có một số cán bộ, đảng viên (11%). Tỉ lệ tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số (H’rê và Bana) chiếm 82%, trong đó riêng đồng bào dân tộc H’rê chiếm tới 78%.
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định”, sau hội thảo tại An Lão (20.3) và Vĩnh Thạnh (26.3), Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo tại huyện Vân Canh, nhằm tìm hiểu tình hình cũng như các giải pháp ngăn ngừa nạn tự tử của chính quyền địa phương trong thời gian qua.
Từ năm 1999 cho đến nay, chính quyền huyện An Lão đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này. Trong số đó, có thể kể đến hiệu quả từ Đề án “Ngăn chặn tệ nạn tự tử, tự sát trong đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2000-2005, với sự tham gia tích cực của các hội, đoàn thể, già làng, trưởng thôn và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 5 năm, toàn huyện xảy ra 80 vụ tự tử, nhưng có 56 người được cứu sống. Từ năm 2006-2008, tình hình gần như trở lại bình thường so với các địa phương khác (xảy ra 25 vụ làm chết 14 người).
Tuy nhiên, từ năm 2009 đến năm 2011, vấn đề lại trở nên phức tạp, riêng năm 2009 xảy ra 21 vụ tự tử, làm chết 9 người. Trước tình hình này, CA huyện An Lão đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch “Phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn tự tử trên địa bàn huyện năm 2010”, áp dụng các biện pháp cấp bách để hạn chế tình trạng này. Tháng 10.2011, UBND huyện cũng đã phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực của gia đình và cộng đồng đề phòng nạn tự tử giai đoạn 2011-2015”. Đề án đề ra các giải pháp thực tiễn và tác động can thiệp của gia đình, cộng đồng vào nhóm đối tượng có hành vi tự tử. Bởi, kết quả khảo sát tình hình tự tử từ năm 2006 đến nay của CA huyện An Lão cho thấy, 61% vụ tự tử xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, song lại không được quan tâm, can thiệp, giải quyết kịp thời và đúng cách.
Tìm giải pháp lâu dài: còn lúng túng
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án này, hiện nhiều phần việc thuộc nội dung của Đề án vẫn còn dậm chân tại chỗ vì thiếu kinh phí.
“Tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đang là một hiện tượng xã hội bất thường, thường bắt nguồn từ sự bất hòa trong đời sống hôn nhân, dễ phát sinh những hành vi tiêu cực. Mặt khác, còn do tinh thần tương thân, tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số đang có sự rời rạc…”
Bà ĐINH THỊ KẾT, nguyên Bí thư Huyện ủy An Lão
Tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào thiểu số ở Bình Định” do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức tại huyện An Lão trung tuần tháng 3 này, bà Đinh Thị Kết, nguyên Bí thư Huyện ủy An Lão, đồng thời là người có uy tín trong cộng đồng dân cư tại thị trấn An Lão, nhận xét: “Tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đang là một hiện tượng xã hội bất thường, thường bắt nguồn từ sự bất hòa trong đời sống hôn nhân, dễ phát sinh những hành vi tiêu cực. Mặt khác, còn do tinh thần tương thân, tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số đang có sự rời rạc, cũng như các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương có phần lơ là, thiếu quan tâm đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp có ý định tự tử…”. Lãnh đạo UBND huyện An Lão cũng cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng của huyện đã xây dựng những đề án cụ thể cho từng giai đoạn, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong ngăn ngừa tệ nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, địa phương còn đang rất lúng túng trong việc đề ra các giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài, hiệu quả cao. Tại Hội thảo, có ý kiến cho rằng vai trò thiết chế xã hội truyền thống trong việc đoàn kết cộng đồng tham gia ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão còn nhiều bất cập; cần phải nghiên cứu sâu về nguyên nhân xã hội, tâm lý và cơ chế tác động của nó đối với sự gia tăng tệ nạn này, để từ đó tìm ra biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão đã, đang ảnh hưởng đến tình hình KT-XH của địa phương này nói riêng và của cả tỉnh nói chung. Ông Đinh Minh Tấn, Bí thư Huyện ủy An Lão, cho biết: “Thời gian tới, Huyện ủy sẽ phân công, làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành trong công tác phòng chống nạn tự tử; đẩy mạnh việc thực hiện hương ước, quy ước khu dân cư gắn với công tác đánh giá thi đua của từng địa phương; có hình thức khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có sự phát hiện, can thiệp và cứu sống những trường hợp tự tử; phát huy hơn nữa vai trò của già làng, người có uy tín trong việc gương mẫu, khuyên bảo bà con xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ tập tục lạc hậu và nạn tự tử.
THU HÀ - NGUYỄN VIỆT
Bài viết rất hay! Cũng là "cứu người" cả thôi, nhưng đây chỉ là vấn đề của một địa phương, cho nên rất khó khăn! Chẳng lẽ phải chờ đến lúc việc này trở thành vấn nạn quốc gia như ma túy, tai nạn giao thông thì mới mới có kinh phí hay sao?