Ðại học Quy Nhơn bước sang trang mới
Ngày 1.7, Trường ÐH Quy Nhơn chính thức thực hiện Ðề án đổi mới cơ cấu tổ chức nhà trường giai đoạn năm 2019 - 2022, tầm nhìn 2030. Ðề án được triển khai nhằm phù hợp với thực tế xã hội hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên được học tập trong môi trường đạt chất lượng tốt, có cơ hội việc làm cao. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn PGS.TS Ðỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ÐH Quy Nhơn về đề án này.
* Tính phù hợp của Đề án thể hiện như thế nào, thưa Phó giáo sư?
- Đề án dựa trên các cơ sở như Luật Giáo dục đại học (bổ sung, sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi), chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai từ năm học 2020 - 2021; đặc biệt việc nhà trường phải thay đổi là tất yếu, chúng tôi phải đổi mới để thích ứng cơ chế tự chủ và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Việc đổi mới cơ cấu tổ chức của nhà trường nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, cơ chế quản trị linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức; giảng dạy và giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội; nghiên cứu gắn với chuyển giao công nghệ và phục vụ phát triển KT-XH của địa phương và khu vực; tăng cường mối liên kết giữa nhà tuyển dụng với cơ sở GD&ĐT và viện nghiên cứu; từng bước quốc tế hóa hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; chuyển đổi từ mô hình quản lý sang mô hình quản trị.
* Khi đề án bắt đầu triển khai, có một số cá nhân bày tỏ sự tiếc nuối khi không còn phiên hiệu như trước, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Trước tiên tôi khẳng định cuộc đổi mới này đã được sự thống nhất và đồng thuận cao trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Theo Đề án, Trường ĐH Quy Nhơn quyết định giải thể các khoa: Ngữ văn, Sử, Tâm lý, Hóa, Lý. Đồng thời, các khoa Ngữ văn, Sử, Tâm lý được sáp nhập lại thành khoa Khoa học xã hội và nhân văn; các khoa Lý, Hóa sáp nhập thành khoa Khoa học tự nhiên. Trước đó, ngày 21.3, Trường ĐH Quy Nhơn đã công bố quyết định thành lập khoa Sư phạm, trong đó có 3 bộ môn trực thuộc gồm, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Khoa học xã hội, Sư phạm Toán.
Có một số ít người tỏ ra không vui cũng là điều dễ hiểu, bởi nó gắn với ký ức, với kỷ niệm. Nhưng để phát triển, chúng ta buộc phải đổi mới. Cuộc sống vốn luôn vận động không ngừng, được bước lên “chuyến tàu đổi mới” là điều nên vui. Cùng với đó, các thầy cô vẫn giảng dạy các môn học của mình và có điều kiện đổi mới, phát triển hơn nữa. Tôi tin sau việc tái cơ cấu tổ chức lần này, rồi đây chúng ta lại có thêm nhiều kỷ niệm và niềm vui hơn.
* Sinh viên là trung tâm của hoạt động đào tạo, vậy ở Đề án này, sinh viên sẽ được hưởng lợi như thế nào, thưa ông?
- Tôi có thể nói ngắn ngọn và dễ hiểu như thế này, tái cấu trúc nhằm hướng đến giúp tân sinh viên ra trường có được việc làm chứ không phải đào tạo ra rồi để sinh viên “tự bơi”. Đồng thời công việc phải có thu nhập đảm bảo đời sống, đúng ngành và đúng nghề nhất có thể.
Sinh viên ĐH Quy Nhơn trong giờ thực hành kỹ thuật điện.
Các em sẽ được trang bị nhiều kỹ năng, có nhiều cơ hội thực tập, thực tế ở các cơ quan, đơn vị, công ty. Thực tập là nội dung bắt buộc để đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường. Hơn nữa nhờ cơ chế đào tạo mới, nếu muốn thử sức ở những ngành nghề khác, các em cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Theo đó, cùng với việc tái cơ cấu khoa, ngành phù hợp với thực tế mới, nhà trường đã và đang đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nghiên cứu đồng bộ, hiện đại để các em trải nghiệm ngay trong nhà trường. Đồng thời, nhà trường cũng đã ký kết hợp tác, đào tạo sinh viên với các trường, DN để các em có thể thực tập, làm việc tại các cơ sở và thời gian thực tập sẽ dài hơn trước nhằm tiếp cận với thực tế trước khi ra trường.
* Thưa Phó giáo sư, để thực hiện Đề án này, nhà trường đã chuẩn bị như thế nào?
- Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã từng bước xây dựng, đào tạo nhân lực để phục vụ cho việc thực hiện Đề án được thuận lợi, suy nghĩ đến việc sắp xếp nhân sự, tổ chức làm sao để Đề án được phát huy hiệu quả nhất.
Trường ĐH Quy Nhơn vốn có thế mạnh về sư phạm, chúng tôi quyết định thành lập khoa Sư phạm để nâng tầm khối Sư phạm của nhà trường. Đồng thời thành lập khoa Khoa học tự nhiên, khoa Khoa học xã hội và nhân văn để đẩy mạnh công tác nghiên cứu trong nhà trường. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chiến lược của nhà trường là hình thành các trường trong trường đại học theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi bổ sung) vừa có hiệu lực từ ngày 1.7.2019. Muốn đạt được mục đích phải nỗ lực hết mức, quyết liệt ngay từ bây giờ. Tôi tin khoảng 10 - 15 năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến, sẽ nghe kể một câu chuyện khác về ĐH Quy Nhơn.
* Xin cảm ơn ông!
“Theo Luật Giáo dục (sửa đổi), sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học mới đủ điều kiện dạy cấp II chứ không phải trình độ cao đẳng như trước. Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021, đây là chương trình dạy theo kiểu tích hợp, dạy hình thành kỹ năng chứ không phải truyền đạt kiến thức theo cách truyền thống. Do đó, ngay bây giờ, nhà trường đã tuyển sinh các ngành liên môn thuộc các khoa mới thành lập, tuyển sinh theo nhu cầu thị trường lao động, theo đơn hàng của các đơn vị tuyển dụng... Có như vậy, mới đảm bảo sinh viên sau khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm và hành nghề một cách bền vững”.
PGS.TS ĐỖ NGỌC MỸ
THẢO KHUY (Thực hiện)