Hào hứng với truyền hình số
Ðược xem nhiều kênh truyền hình hơn, nhiều nội dung và chất lượng cũng tốt hơn, lại không phải trả phí… là nhận xét chung của nhiều người khi chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất (analog) sang truyền hình số mặt đất (DVB-T2).
Ba ngày sau khi tắt sóng analog tại Bình Định, sóng truyền hình số cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, trừ một số khu vực bị che khuất bởi núi, nhà cao tầng, như: phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), toàn bộ khu vực từ xã Canh Hiển đến thị trấn Vân Canh (Vân Canh), một số điểm thuộc thôn An Sơn của xã Phước An và thôn Phụng Sơn của xã Phước Sơn (Tuy Phước), thôn M6 thuộc xã Bình Tân và khối 1 của thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), thôn Tân Hòa và Nghiễm Hòa thuộc phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) - đây chính là những “vùng lõm” của sóng analog trước đây. Để người dân “vùng lõm” được xem truyền hình, tỉnh Bình Định buộc phải lắp đặt trạm tiếp phát sóng lại.
Truyền hình chất lượng cao
“Gia đình tôi vừa được hỗ trợ lắp đặt đầu thu kỹ thuật số DVB-T2. Hồi giờ nghe nói tivi số, truyền hình số chứ có biết nó ra sao đâu. Giờ đúng là xem rất sướng mắt, đặc biệt các kênh truyền hình BTV, VTV1, VTV2, VTV3, VTV6 hình ảnh rất sắc nét, không bị nhòe nhiễu. Vùng này ai cũng háo hức phấn khởi!”, chị Phạm Thị Hồng Vân ở thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh (Tây Sơn) cho biết.
Gia đình bà Trần Thị Đỡ ở thôn Kiên Ngãi (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) được hỗ trợ lắp đầu thu DVB-T2.
Với những gia đình không nằm trong diện hỗ trợ, chỉ cần mua đầu thu DVB-T2, về dựng ăng-ten đấu nối với máy thu hình và dò sóng là có thể xem được. “Xem truyền hình số tốt hơn hẳn so với truyền hình analog, hình ảnh và âm thanh nét hơn”, ông Lâm Phước Lợi (TP Quy Nhơn) cho biết.
Nhìn chung, tình hình tắt sóng analog diễn ra thuận lợi, người dân đã xem được truyền hình và hài lòng với chất lượng thu xem truyền hình. Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh, cho hay: “Sở đã phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai lắp đặt đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo theo danh sách. Đến hết ngày 3.7 đã lắp được 4.454/6.978 bộ đầu thu, đạt khoảng 64% tiến độ. Việc hỗ trợ đầu thu đang được thực hiện theo đúng lộ trình đề ra của Bộ TT&TT, dự kiến 100% hộ trong diện cần hỗ trợ sẽ nhận được đầu thu trước ngày 15.7”.
Theo ông Nguyễn Minh Phương, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh, trong những ngày qua, nhiều người dân gọi đến đài để hỏi về việc mua đầu thu, tư vấn sử dụng đầu thu hay phàn nàn không bắt được sóng, không xem được chương trình. Tuy nhiên điểm đáng mừng là không có phản hồi trái chiều về chính sách số hóa truyền hình của Nhà nước. “Ưu điểm của công nghệ truyền hình số mặt đất DVB-T2 là vẫn có thể xem được khi trời mưa lớn, thời tiết xấu, ăng-ten thu sóng không cần quá lớn và tại một số nơi gần trạm phát còn có thể đặt trong nhà”, ông Phương cho biết thêm.
Thị trường không “sốc”
Thật ra lộ trình số hóa truyền hình đã có từ mấy năm trước. Trước khi tắt sóng analog, Sở TT&TT phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tích cực triển khai công tác tuyên truyền thông qua các clip hướng dẫn thu và lắp đặt, chạy dòng chữ thông báo thời điểm tắt sóng trong bản tin thời sự trên đài truyền hình… Nhờ đó, người dân đã kịp chuẩn bị. Sở TT&TT đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá rất chi tiết, vì thế việc một số khu vực có chất lượng sóng không tốt, hoặc không bắt được sóng, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ TT&TT để có phương án điều chỉnh thích hợp, bao gồm khả năng chuyển sang hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh DTH (direct to home).
Truyền hình số mặt đất cung cấp cho người dùng 31 kênh, trong đó có nhiều kênh HD chất lượng cao, gồm: VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV5, VTV6, VTV7, VTV8, VTV9, BTV, HTV1, HTV2, HTV3, HTV4, HTV7, HTV9, THVL1, một số các đài địa phương trong khu vực như Quảng Nam, Khánh Hòa, Ðà Nẵng...
Bên cạnh đó, những chiếc tivi sản xuất trong 2 năm trở lại đây đã được tích hợp bộ phận thu kỹ thuật số, cộng với sự phổ biến của các dịch vụ truyền hình trả tiền phát trên internet… nên việc tắt sóng analog không tạo ra cú sốc lớn cho thị trường điện tử trong tỉnh.
Tại Bình Định, một thiết bị đầu thu DVB-T2 đang được bán với giá dao động từ 250 - 480 nghìn đồng. “Trong 3 ngày qua, lượng người đến cửa hàng tìm mua đầu thu tăng 2 - 3 lần, hàng về cái nào là được đặt mua ngay, tuy nhiên, giá chỉ khoảng 250 nghìn đồng/chiếc, chỉ cao hơn khoảng 30.000 đồng so với trước”, anh Trần Tiến Đoan, chủ một cửa hàng điện máy trên đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), cho biết.
Một số cửa hàng bán đầu thu, nhất là ở các xã, có tăng giá so với trước, nhưng không đến mức gây ra tình trạng sốt hàng ảo hay đội giá. “Cửa hàng tôi đang bán nhiều thiết bị đầu thu DVB-T2 với mức giá từ 400 - 480 nghìn đồng, tùy chất lượng và tính năng. Sức mua tăng mạnh trong 3 ngày qua, phần lớn khách hàng là người lớn tuổi”, anh Đào Xuân Ba, chủ cửa hàng điện máy ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (Tuy Phước) nói.
HỒNG HÀ