Những võ khí nhà quê Bình Định
Võ Bình Định gồm võ tay không và võ có võ khí. Võ tay không (quyền thuật) chỉ tất cả các môn võ không trang bị võ khí với kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm đòn công và đòn thủ, chia làm cương quyền và nhu quyền. Những thế quyền tinh hoa được đúc kết thành các bài thảo bộ nhằm giúp người tập luyện nhuần nhuyễn và hoàn chỉnh từng chiêu thức. Võ có võ khí của Bình Định gồm 18 môn (thập bát ban) tương ứng với 18 món: côn, tiên, giản, thiết bản, kiếm, đao, thương, kích, chĩa ba, bồ cào, song câu, song quải, chủy thủ, bút, phủ (búa), chùy, cung tên, lăn khiên.
Ngoài các loại võ khí chính quy, võ nhân Bình Định còn sử dụng các loại vật dụng thường ngày khác như khăn xéo, khăn quấn đầu, dải lụa thắt lưng, dây thừng, chuỗi tiền, dây xích sắt, phất trần, rựa quéo, mỏ gảy, hèo, dù, giáo sào, lao, đòn xóc, nạng, ná,… để đối phó với kẻ địch.
Khăn xéo (Độc tiên) là vật tùy thân của người Bình Định xưa, làm bằng vải ta, thường vắt trên vai, dùng để chặm mồ hôi, lau mặt, che nắng; trong tay con nhà võ, nó trở thành một ngọn nhuyễn tiên lợi hại. Thưở sinh thời, võ sư Hồ Ngạnh thường bị thử tài đánh úp bất ngờ, ông đã bao phen thoát hiểm với một chiếc khăn xéo hoặc khăn lông vắt vai. Chỉ một chiếc khăn xéo mà trói gô kẻ trộm bên chuồng bò đã là tài, nhưng còn vô số câu chuyện kỳ lạ hơn như dùng khăn đoạt đao của một võ nhân đánh lén ban đêm, hoặc dùng khăn đánh vào yếu huyệt mấy tên đàn em của tướng cướp Dư Đành. Các giai thoại đó đã khiến cái khăn xéo qua tay Hồ Ngạnh được mệnh danh là “Độc tiên”. Và về sau, khi môn võ khăn xéo trở nên phổ biến, Độc tiên trở thành tên gọi tôn vinh loại võ khí dân dã này.
Trượng hay hèo vốn là cây gậy để chống khi đi lại, lúc cần có thể tận dụng làm binh khí. Xà trượng hay còn gọi là hèo đầu rắn dài chừng 1,2m, làm bằng cây tre đài, loại tre đực thân nhỏ, đặc ruột, phần gốc cong và nhặt mắt tạo hình đầu rắn. Chỗ đầu cong của Xà trượng là tay cầm khi quay, đập, quật, chặn, đỡ gạt, điểm huyệt; còn khi móc cổ, câu chân đối thủ, câu giật chân ngựa thì cầm giữa thân như côn.
Dù (ô) là vật che nắng mưa khi đi đường, gặp khi bất trắc nó trở thành vũ khí lợi hại. Võ Dù có thể đâm kẻ địch bằng mũi như một ngọn giáo ngắn; có thể quật, đập, đả như côn; lại có thể vận dụng kỹ pháp của Xà trượng móc cổ giật cho kẻ địch té nhào.
Mỏ gảy là dạng võ khí cán dài cùng họ với chĩa ba, nhưng chỉ có hai răng sắt dài nhọn nên còn gọi là Chĩa hai. Trong công việc hàng ngày cây Mỏ gảy dùng để xóc rơm, xỉa rơm là chính. Tuy nhiên trong võ thuật, nó là võ khí lợi hại với kỹ thuật phóng, đâm, xóc, ngoài ra còn kết hợp giữa xóc và bẻ để khống chế chân, tay và võ khí của đối phương.
Giáo sào bắt nguồn từ cái sào, một nông cụ được làm bằng loại tre đực đặc ruột, suôn mắt, thân to chừng nửa cườm tay người lớn, dài khoảng 2 - 2,5m. Dân gian vùng Bình Định thường dùng sào để phơi đồ hoặc chống thuyền. Khi sào được vát nhọn đầu thì nó có tên là giáo sào. Thời chống Pháp, giáo sào được bịt kim loại ở đầu, trở thành loại võ khí đắc dụng của nghĩa binh Mai Xuân Thưởng.
Lao cấu tạo như giáo sào nhưng ngắn hơn, thân lao dài chừng 1,2 - 1,5 m, dùng để phóng tầm xa, phổ biến trong săn bắn của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đòn xóc cũng làm bằng tre như giáo sào, nhưng chiều dài chỉ bằng cây đòn gánh, hai đầu vót nhọn. Trong sinh hoạt thường ngày, cây đòn xóc dùng để gánh rơm, gánh củi, nhưng khi cần chiến đấu nó trở thành võ khí lợi hại, có thể đỡ, phóng, đâm, thọc rất linh hoạt.
Dây xích được chế tạo bằng kim loại, độ dài theo thể tạng, chiều cao của người dùng, thông thường dài đến 0,9m. Ở hai đầu có hai cục sắt nhỏ, hình tròn, chữ nhật hoặc hình mũi tên. Điều cần thiết trong sử dụng dây xích là tốc độ, bất ngờ, cũng như lưỡng tiết côn, dây xích phải đánh nhanh và dũng mãnh, nếu không, sự chậm chạp, vụng về sẽ tạo cơ hội cho đối phương khống chế và tước đoạt vũ khí. Chính vì vậy mà người sử dụng phải nắm vững quyền thuật.
Song xỉ là vũ khí đánh đôi, gồm hai tấm sắt to bản, phần thân bo theo cánh tay, phủ kín từ chỏ đến hết bàn tay, hai đầu đều là mũi nhọn bén, phía chỏ có dây da quấn vào bắp tay, phía trước có đai sắt để luồn bàn tay vào cầm cho chắc. Đây là loại vũ khí được các võ nhân thời Tây Sơn phát triển từ hai tấm hộ thủ (giáp tay), thay vì chỉ có công dụng phòng thủ thì bổ sung thêm tác dụng chiến đấu, phổ biến rộng rãi trong nghĩa quân. Đặc điểm riêng của song xỉ là gọn, sắc, mạnh, thích hợp lối đánh gần, phòng thủ tốt vì ôm trọn cánh tay, khi cần tấn công có thể xỉa hoặc giật chỏ, gây ra những vết thương như đao, kiếm. Song xỉ đòi hỏi người sử dụng phải tinh mắt, giỏi quyền cước, di chuyển mau lẹ.
Rựa quéo lưỡi giống như cái rựa thường, sống rựa dày, lưỡi dài và to bản có mấu quéo lại ở đầu để giật, kéo. Chỉ khác rựa thường ở chỗ cán rất dài, vừa là công cụ lao động, vừa là một đoản côn khi cần. Đây là võ khí phổ thông của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp tại Bình Định vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, sau khi phong trào Cần Vương ở Bình Định bị đàn áp không lâu, giặc Pháp bất ngờ bị đánh thất điên bát đảo tại Phú Yên bởi những người khởi nghĩa đội lốt nhà sư chuyên dùng rựa quéo. Loại võ khí kỳ lạ này trở thành nỗi ám ảnh của đội quân xâm lược và tay sai, nên chúng đã gọi nghĩa quân là Giặc Rựa.
Cây đòn gánh, cây sào phơi áo, cây rựa quéo, cái đòn xóc rơm,... những vật dụng mộc mạc, quê mùa, hàng ngày dựng ở góc rào, xó nhà. Trong đời sống thường hằng sau tre trúc, không ai định trước lúc nào chúng sẽ trở thành võ khí, nhưng trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, con người phải giải quyết tình thế thập tử nhất sinh, thì những thứ bình dị quanh họ phải trở thành khí cụ để tự vệ, hoặc cứu người.
TTHT