Tập trung chống hạn
Nắng nóng kéo dài, hạn hán xảy ra trên diện rộng khiến nhiều diện tích lúa vụ Hè Thu thiếu nước tưới và bị chết. Hiện chính quyền, ngành chức năng, cùng nông dân các địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.
Nông dân Trần Thanh Đấu, ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ buộc phải cắt số lúa bị chết do nắng hạn về làm chất đốt.
Đồng khô, lúa cháy
Hơn 1 tháng không được cung cấp nước tưới, cánh đồng lúa Vạn Định, Vạn An, ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ trở nên khô khốc, nhiều diện tích lúa Hè Thu chưa làm đòng đã bị chết và bị lép hạt. Bên đám ruộng lúa lép vừa mới cắt xong, ông Trần Thanh Đấu ở thôn Vạn An buồn rầu nói: Cánh đồng này ăn nước hồ Vạn Định, nhưng hơn 1 tháng nay hồ chứa bị khô nước, nhiều diện tích lúa Hè Thu bị chết. Nhà tôi có 4 sào lúa, trong đó có 1 sào bị chết đã cắt bỏ cho bò ăn, còn lại 3 sào bị lép hạt, tôi mang về để làm chất đốt.
Một mình giữa trưa dồn rơm trên mặt ruộng thành đống để đưa về nhà, ông Phan Kim Anh ở cùng thôn Vạn An chia sẻ: “Do thiếu nước tưới nên 3 sào lúa bị cháy khô và lép hạt. Tôi đã thuê máy cắt dọn cho sạch ruộng và đưa về để làm chất đốt, chứ loại này thì đến trâu bò nó cũng chê”.
Là người gắn bó với cơ sở, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác phòng chống hạn, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho hay: Nắng hạn xảy ra trên diện rộng và kéo dài khiến 40/45 hồ chứa bị cạn nước, 649 ha lúa Hè Thu tại các xã: Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Trinh, Mỹ Hòa... bị khô hạn, trong đó có 23 ha lúa ở các xã Mỹ Châu, Mỹ Hòa bị chết. Nếu tuần tới không có mưa lớn, chắc chắn diện tích lúa bị chết sẽ tăng cao.
Số liệu về diện tích lúa bị hạn do các địa phương báo cáo cho ngành Nông nghiệp tỉnh ngày càng tăng. Ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh đã có 99 hồ cạn nước. Nắng hạn kéo dài làm 2.446 ha lúa tại các huyện: Phù Mỹ, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân, Tuy Phước bị khô hạn, trong đó các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Hoài Ân có tổng cộng 116 ha lúa bị chết.
Nông dân xã Mỹ Châu đóng giếng lấy nước ngầm cứu lúa.
Những ngày qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai các biện pháp phòng chống hạn.
Quan sát trên các cánh đồng làng, chúng tôi thấy không ít nông dân đã đóng giếng lấy nước ngầm để cứu lúa. Chỉ tay về chiếc giường xếp nằm trên bờ ruộng, ông Đặng Ngọc Trang (84 tuổi) ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, chia sẻ: “Đêm hôm qua, tôi mang theo giường xếp ở lại trên đồng để bơm nước cứu 2 sào lúa. Ở khu vực này, nhà nào cũng đóng giếng lấy nước ngầm cứu lúa, nên nguồn nước giảm mạnh. Bơm cả đêm mới đảm bảo được 1 lứa nước”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Chúng tôi đã sử dụng máy bơm tận dụng số nước còn đọng lại ở các hồ chứa để cứu lúa; hỗ trợ người dân đóng giếng để lấy nước ngầm phục vụ sản xuất. Các xã cũng đã thành lập tổ, đội thủy nông nội đồng để dẫn nước, hạn chế thất thoát nước và tranh chấp nước.
Trước đề nghị của huyện Tây Sơn, Công ty Thủy điện An Khê - Kanak vừa mới xả 2 đợt nước từ hồ chứa thủy điện của công ty với tổng lượng nước trên 500 nghìn m3 để cứu 97,4 ha lúa vụ ở thôn Trung Sơn và Thượng Sơn, xã Tây Thuận. Ông Hồ Thành Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho hay: “UBND huyện tiếp tục đề nghị DN xả thêm 2 đợt nước từ hồ thủy điện để cứu lúa và yêu cầu xã Tây Thuận chỉ đạo cán bộ thủy nông hướng dẫn nông dân sử dụng tiết kiệm nước, tưới luân phiên. UBND huyện cũng đã huy động máy bơm để tận dụng nguồn nước từ các sông, hồ để chống hạn cho 237 ha lúa ở các xã Tây Thuận, Bình Nghi, Vĩnh An”.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở đã thành lập các tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có, xác định rõ khu vực thiếu nước, khu vực có nguy cơ thiếu nước, thông tin kịp thời tình hình hạn hán để người dân biết mà chủ động bố trí sản xuất và phòng chống hạn. Mặt khác, hướng dẫn các đơn vị quản lý thủy nông, chính quyền các địa phương và nông dân sử dụng tiết kiệm 10% lượng nước tưới so với bình thường thông qua việc điều tiết và tưới tiết kiệm. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều tiết nước tưới từ các hồ chứa nước và hệ thống kênh tưới Văn Phong bổ sung nước tưới cho các địa phương và tăng cường thêm các bơm nước để bơm nước chống hạn. Mặt khác, tổ chức quản lý, vận hành tốt các cống tràn trên đê Đông không để xâm nhập mặn. Tổng hợp nhu cầu về kinh phí đề nghị hỗ trợ phòng chống hạn của các địa phương, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
PHẠM TIẾN SỸ