Khi “ma men” dẫn lối
Bia, rượu làm cho những cuộc gặp gỡ, liên hoan thêm phần vui vẻ, nhưng thực tế thì nhiều người đã quá chén, mất kiểm soát bản thân, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, có khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Những cuộc nhậu là nơi vui vẻ, nhưng cũng là nơi có thể xảy ra những mâu thuẫn và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Không làm chủ được hành vi
Lúc bị lực lượng CSGT yêu cầu test nồng độ cồn, không những không thực hiện yêu cầu mà còn không xuất trình giấy tờ, không cung cấp tên, địa chỉ, ông T.H.P. (phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) lấy điện thoại ra quay phim CSGT đang thực thi nhiệm vụ, chỉ tay hăm dọa và liên tục chửi mắng... Tuy nhiên, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng sau đó ông tỏ ra e dè, hối lỗi và ngụy biện rằng: “Tại hôm đó say quá, giờ xem lại băng ghi hình của lực lượng mới thấy mình sai và thật sự không hiểu sao lúc đó bản thân lại hành xử như vậy nữa, cũng may hôm đó không gây tai nạn cho ai”.
Thực tế, rượu, bia quá chén không chỉ là nguyên nhân gây ra những vụ TNGT đáng tiếc mà còn dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác. Đơn cử mới đây, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Hải (SN 1978, Hoài Ân) 8 năm tù giam về hành vi giết người, mà nguyên nhân của vụ án này cũng xuất phát từ việc sử dụng rượu bia, rồi quay ra thách thức gây sự và xảy ra hậu quả đáng tiếc, khiến người khác chết, bản thân đi tù.
Hay trường hợp của bị can La Vi (SN 1992, ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) phạm tội hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản, cũng vì rượu, bia. Tại cơ quan chức năng, Vi khai, sau khi đi nhậu về trên đường ngang qua một trường tiểu học trên địa bàn xã Hoài Hương, thấy cháu Th. (8 tuổi, ở xã Hoài Hương) trên đường đi học về, do trong người có hơi men nên nảy sinh ý định và tìm cách dụ dỗ rồi giở trò đồi bại. Sau đó, không chỉ thực hiện hành vi hiếp dâm, Vi còn cướp đôi bông tai vàng của bé Th.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 368 vụ phạm pháp hình sự, trong đó liên quan đến bia, rượu chiếm khoảng 40%. Chưa kể, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng CA còn tiếp nhận và xử lý hàng trăm tin báo ANTT có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia.
Rượu, bia không được xem là tình tiết giảm nhẹ
Tại Điều 13 Bộ Luật hình sự năm 2015, quy định rõ, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây cũng chính là lý do tại phiên tòa xét xử bị cáo Ung Thanh An (SN 1982, TX An Nhơn) phạm tội giết người mới đây, Hội đồng xét xử đã tập trung phân tích rõ hành vi côn đồ của bị cáo An, khi bị cáo An cho rằng bản thân lúc gây án vì có hơi men nên đã không làm chủ hành vi. Tuy nhiên tòa đã tuyên phạt mức án 20 năm tù giam là bài học đắt giá cho chính bị cáo An cũng như cho tất cả những ai lạm dụng rượu, bia rồi vi phạm pháp luật.
Theo ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trị an, an ninh, ma túy (Viện KSND tỉnh), trong các vụ án xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, thường thì một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả cho cả bị cáo và bị hại đều có tác nhân từ bia, rượu. Khi có hơi men, các bị cáo, nạn nhân thường mất kiểm soát vào lúc đó và họ có thể có hành vi vi phạm pháp luật, có khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Dù khi gây án bị cáo không tỉnh táo, nhưng rượu, bia không bao giờ là tình tiết giảm nhẹ, thậm chí trong một số trường hợp thì rượu, bia còn là tình tiết để tăng tội.
Ai cũng có những lý do để biện hộ cho sự quá chén của mình, và thường cho đó là điều bình thường. Thế nhưng ít ai nghĩ rằng, phía sau những cuộc vui ấy, rất có thể là khởi đầu của hàng loạt những ám ảnh, những bi kịch đối với bản thân và người khác. Dù là chủ quan hay khách quan thì hậu quả do rượu, bia gây ra luôn đáng tiếc, nhẹ thì mâu thuẫn, sứt mẻ tình cảm, nặng thì thương tích, thiệt mạng, bị pháp luật xử lý.
K.ANH