Phototour ở Bình Ðịnh
Phototour - du lịch để chụp ảnh, ngay tên gọi đã là một cách giới thiệu đầy đủ cho loại hình tour du lịch này. Bình Ðịnh đang xuất hiện như một điểm đến đầy tiềm năng của phototour.
Với phototour - các nhóm khách sẽ ưu tiên lựa chọn lộ trình giàu trải nghiệm, thỏa mãn nhu cầu khám phá về lịch sử, văn hóa, đời sống, sinh hoạt và con người… ở nơi đến. Yếu tố then chốt làm nên một phototour hấp dẫn là phải có hướng dẫn viên vừa có nghề vừa có mối quan tâm nhất định đến nhiếp ảnh, có vậy mới biết cách đáp ứng nhu cầu của du khách.
TP Quy Nhơn nhìn từ đồi Ghềnh Ráng. Ảnh: ĐẶNG HỒNG KỲ
Trải nghiệm & tiềm năng
Do yêu cầu của công việc, tôi phải di chuyển nhiều. Để mỗi chuyến công tác trở nên nhẹ nhàng, tôi cố gắng biến thành những chuyến phototour theo sức của mình và tôi đã có nhiều trải nghiệm đẹp trên quê hương Bình Định. Đó là khoảnh khắc canh mặt trời lặn trên đảo Cù Lao Xanh (TP Quy Nhơn), ngắm nắng chiều rớt nhẹ loang trên mặt biển, ánh vàng của hoàng hôn tỏa ra cả một vùng Đề Gi (Phù Cát). Trên mỏm đá cao nhô ra biển, chúng tôi dựng máy, chọn góc rồi đón chờ mặt trời buông xuống, từng nhịp, từng nhịp trên đồi cát Phương Mai, thu hết vào ống kính một hoàng hôn rực rỡ.
Ở bình nguyên La Vuông thuộc xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tôi lại có một trải nghiệm thú vị khác. Cùng một số chuyên gia thiết kế tour, chúng tôi đi “săn” sương chiều trên những triền dốc, sương sà xuống thật gần phủ một sắc bạc hư ảo cả không gian bao la… Để khi về ngồi lại, lật giở lại từng khung hình, chúng tôi nhận ra rằng, không phải là sự trau chuốt của kỹ thuật hay sự can thiệp của công nghệ, ở đó chỉ còn vẻ đẹp nguyên bản và việc của tôi là thu hết vào bức ảnh. Tự nhiên vốn đã là những tuyệt tác.
Từng gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người dân ở các vùng khác nhau, học, đọc và lắng nghe những người am hiểu về Bình Định, cộng với những trải nghiệm của mình, tôi tin chắc có thể thiết kế vô số phototour tuyệt vời ở miền đất Võ trời Văn.
Đầm Trà Ổ. Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH
Tự mình làm cả một cuộc vui!
Nếu bạn về thăm An Nhơn - Tây Sơn - Phù Cát, gợi ý cho phototour 1 ngày sẽ là khám phá chợ nón đêm Cát Tân lung linh huyền ảo nét liêu trai (từ khoảng 1 - 3 giờ sáng các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 hàng tháng), tới làng nghề An Thái (Nhơn Phúc, TX An Nhơn) xem cách người dân sản xuất bún song thằn. Di chuyển dọc sông Côn qua cầu An Thái sẽ tới làng võ An Vinh (xã Tây Vinh, Tây Sơn) bạn có dịp xem con gái Bình Định “bỏ roi đi quyền”.
Nếu ở Quy Nhơn, Tuy Phước, lên lịch phototour sẽ là khám phá vùng đầm nước lợ lớn nhất tỉnh Bình Định - đầm Thị Nại. Xuất phát từ bến đò Vinh Quang (xã Phước Sơn, Tuy Phước) từ 4 giờ chiều, đây là khoảng thời gian bạn sẽ có được nhiều góc máy thú vị với rừng ngập mặn Cồn Chim. Chiều muộn chính là thời điểm chim, cò bay về rừng trú ngụ. Đặc thù của cư dân vùng đầm phá, về đêm chính là thời điểm họ mưu sinh với những nghề truyền thống như đánh cá, soi cua. Nhịp sống nhộn nhịp trên đầm khi đêm xuống chính là chất liệu mới mẻ cho những tác phẩm trong chuyến hành trình của du khách.
Thêm một gợi ý phototour là khám phá xứ dừa Hoài Nhơn. Nếu bạn di chuyển từ Quy Nhơn ra tới Hoài Nhơn vào buổi chiều, hãy ngủ lại một đêm tại thị trấn Bồng Sơn, đi dạo dọc bờ kè sông Lại. Sáng sớm, nắng vừa lên, hãy theo người dân ra những bãi bồi để được thấy công đoạn trồng, thu hoạch giá đất ven sông; rồi về nơi cuối dòng Lại Giang để cùng người dân đi cào ốc gạo. Đặc trưng của Hoài Nhơn chính là cây dừa và các sản phẩm từ dừa. Bạn có thể liên hệ trước với những hộ gia đình trồng dừa, sản xuất các sản phẩm từ dừa để có những khuôn hình đẹp và thêm sự hiểu biết về những làng nghề truyền thống gắn với dừa ở Hoài Nhơn.
Ở Bình Định có khá nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu khám phá, trải nghiệm khác nhau dành cho người muốn đi phototour. “Chỉ cần bạn về đầm Trà Ổ ở huyện Phù Mỹ, từ sớm tinh mơ đến trưa rồi sang chiều, đến lúc hoàng hôn buông xuống, bạn tha hồ chụp ảnh. Ảnh phong cảnh đẹp như tranh thủy mặc, ảnh mưu sinh trên mặt đầm đẹp những điệu múa, ảnh thiên nhiên chim trời cá nước lay động đến từng nhịp bạn thở”, anh Nguyễn Sa Huỳnh, một người đam mê nhiếp ảnh và đam mê chụp tất cả những gì thuộc về quê hương mình, sôi nổi chia sẻ.
Tương tự, cách đây ít ngày, trở lại Quy Nhơn, sau khi thăm nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử, chụp một loạt ảnh ở Quy Hòa, ở biển Quy Nhơn, anh Đặng Hồng Kỳ (một người Hà Nội, đang sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh) đã viết trên trang facebook của mình: “Tôi yêu nhà thơ này và yêu Quy Nhơn, nơi ông nằm lại vĩnh viễn trên một triền đồi cao nhìn ra biển. Phía trên mộ có tượng Đức Mẹ, tượng trưng cho niềm tin và sự cứu rỗi đối với thi sĩ”. Lời lẽ ngắn gọn nhưng những tấm ảnh mà ảnh đăng tải trên trang cá nhân của mình thu hút sự chú ý của hàng trăm người và hầu hết đều “than” rằng: Quy Nhơn quá đẹp!
Bạn thích đi chơi, bạn thích chụp ảnh? Mời bạn về với Quy Nhơn - Bình Định!
THU DỊU