Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Biến thách thức thành cơ hội
Kể từ ngày 1.6.2019, Hiệp định Ðối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (VPA/FLEGT) chính thức có hiệu lực. PV Báo Bình Ðịnh đã trao đổi với ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh, về Hiệp định này.
* Xin ông cho biết nội dung chủ yếu của VPA/FLEGT ?
- Hiệp định là cam kết của Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương 15 “Thương mại và phát triển bền vững” của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, bao gồm các quy định về quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản. Nội dung chính của VPA/FLEGT là Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung, làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
* VPA/FLEGT có tác động tích cực như thế nào đối với các DN Việt Nam, thưa ông?
- VPA/FLEGT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực KT-XH - môi trường. Theo đó, VPA/FLEGT là công cụ quan trọng để nâng cao thương hiệu đồ gỗ Việt, giúp tăng trưởng xuất khẩu vào EU. Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế gỗ của EU khi xuất khẩu vào EU. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ tăng khi Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực, bởi lòng tin của người tiêu dùng ở các nước thuộc EU vào sản phẩm Việt Nam sẽ tăng lên. Đồng thời, các DN Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng có điều kiện thuận lợi để tiếp cận và mở rộng thị phần ở các thị trường xuất khẩu rộng lớn (như Hoa Kỳ, Nhật Bản…), giảm đi nỗi lo bị ép giá.
* Mở ra nhiều cơ hội như vậy, song VPA/FLEGT cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với các DN gỗ và lâm sản Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về điều này?
- Theo quy định của VPA/FLEGT, 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp. Dù DN dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu đều phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Như vậy, DN phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng, khiến gia tăng chi phí và tốn thêm thời gian. Trong khi đó, Việt Nam đang nhập khẩu gỗ từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 120 loại gỗ khác nhau. Bên cạnh đó, việc phân loại DN của VPA/FLEGT cũng ảnh hưởng đến DN Việt Nam. Đối với DN loại 1, việc cấp phép FLEGT dễ dàng hơn, còn DN loại 2 sẽ phải qua các bước xác nhận và kiểm tra của cơ quan chức năng. Các DN chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định ở thời điểm xuất khẩu thì sẽ không được phép xuất khẩu.
Công ty CP Phú Tài (TP Quy Nhơn) đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng thực thi Hiệp định VPA/FLEGT.
- Trong ảnh: Một góc gian hàng giới thiệu sản phẩm đồ gỗ của Công ty CP Phú Tài.
* Vậy theo ông, các DN gỗ và lâm sản Bình Định cần phải làm gì ?
- EU là một thị trường lớn và đầy tiềm năng. Nếu các DN gỗ và lâm sản Bình Định đáp ứng được các quy định của VPA/FLEGT thì đã biến thách thức thành cơ hội. Vì vậy, các DN trên địa bàn tỉnh cần chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách để cùng đưa ngành gỗ và lâm sản Bình Định ngày càng phát triển bền vững.
Riêng đối với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), chúng tôi đã sớm nắm bắt thông tin về VPA/FLEGT, chủ động phổ biến, tổ chức các đợt tập huấn cho hội viên. Đồng thời, FPA Bình Định và các hiệp hội gỗ và lâm sản khác đã ký cam kết cũng như cùng ra tuyên bố chung về việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp. Trong thời gian tới, FPA Bình Định sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế để tổ chức hội thảo, các khóa tập huấn về VPA/FLEGT; đồng thời hợp tác với Tổ chức Nông Lương của LHQ trong tiến trình xây dựng một hệ thống trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ, nhằm thực hiện thành công VPA/FLEGT.
* Xin cảm ơn ông!
Viết Hiền (Thực hiện)