An Lão đẩy mạnh phát triển rừng bền vững
Núi rừng, sông suối gắn bó mật thiết, là mạch nguồn của sự sống với đồng bào huyện An Lão. Mấy năm gần đây, huyện An Lão rất chú trọng bảo vệ và phát triển theo hướng bền vững cả 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất).
Núi rừng, sông suối gắn bó mật thiết, là mạch nguồn của sự sống với đồng bào huyện An Lão. Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH
Bảo vệ rừng để rừng bảo vệ mình
Tại các xã An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Vinh, An Hưng..., hiện nay bên cạnh việc bảo vệ chặt chẽ những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, huyện còn phát triển rừng nguyên liệu, rừng lấy gỗ. Đến nay, huyện đã thực hiện giao khoán, bảo vệ hơn 22.737 ha rừng các loại. Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên ở vùng đầu nguồn giúp người dân vừa có thu nhập ổn định, vừa đảm bảo độ giàu của rừng, điều hòa khí hậu và tăng đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương giao đất lâm nghiệp lâu dài, tránh tình trạng xâm lấn đất rừng, huyện đã giao đất, cho thuê 1.208,4 ha đất lâm nghiệp. Hầu hết khoảnh rừng dân trồng đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ranh giới và cơ chế hưởng lợi của người dân rõ ràng nên hạn chế được tình trạng khiếu nại.
Anh Đinh Văn Goa, ở thôn 2, xã An Quang, cho biết: “Tôi vừa nhận khoán bảo vệ rừng vừa trồng rừng sản xuất. Tôi trồng hơn 3 ha keo lai, thời gian trồng 5 - 6 năm mới khai thác, còn với diện tích rừng nằm tại các dốc suối, đồi cao thì tôi trồng 8 - 9 năm tuổi mới khai thác bán, bởi để cây keo trồng lâu sẽ giữ đất rừng không sạt lở, đất không bạc màu mà còn bán được cây gỗ lớn, giá trị kinh tế tăng hơn khai thác cây keo khi còn non. Năm nào giá keo tăng thì mỗi ha keo từ 5 - 6 năm khi khai thác tôi thu nhập hơn 80 triệu đồng/ha, còn keo 8 - 9 năm thì thu nhập hơn 120 triệu đồng/ha vì chất lượng gỗ tốt, trọng lượng tăng lên”.
Hiện nay, huyện đang tái cấu trúc toàn diện ngành Lâm nghiệp, trong đó tiến hành trồng thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu. Nhân rộng mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; xem xét tăng phí để tăng thêm mức thu nhập cho người dân quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư, quy hoạch và xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản sau khai thác từ rừng trồng, giảm chi phí cho vận chuyển.
Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm, cho biết: “Hiện nay, huyện đầu tư trồng thử nghiệm 3 ha cây dược liệu và đang phát triển tốt; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 100 ha mây tự nhiên; khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển 1,9 ha chè tự nhiên tại An Toàn. Huyện cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển về giống cây trồng; quy hoạch khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm. Huyện thực hiện giao đất, giao rừng, mở rộng diện tích rừng sản xuất, rừng lấy gỗ, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào vùng cao, có vậy mới giảm nghèo bền vững...”.
Cán bộ của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn tuần tra, bảo vệ rừng.
Phát triển rừng bền vững
Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu khắc nghiệt, chống khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm nương, rẫy... ảnh hưởng cuộc sống người dân và môi trường thiên nhiên, từ năm 2015, Huyện ủy An Lão đã ban hành Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Bí thư Huyện ủy An Lão Đinh Minh Tấn nhận định: Điều quan trọng là phải có quy hoạch tốt, then chốt là phải giữ cho được môi trường, giữ được nguồn nước. Những khu vực quy hoạch được phép chuyển đổi loại, mục đích tập trung chủ yếu ở vùng rừng phòng hộ ít xung yếu. Dù vậy vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, tránh việc tạo ra các kẽ hở nhằm lợi dụng vào chủ trương của Nhà nước để phá rừng.
An Lão có rừng đặc dụng An Toàn (Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn) với tổng diện tích hơn 26.000 ha thuộc quyền quản lý, bảo vệ của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, đây là khu rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú. Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, chia sẻ: “Với khí hậu ôn đới, mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, An Toàn rất phù hợp để phát triển du lịch. Trong tương lai, khi được đầu tư du lịch thì An Toàn sẽ được đánh thức, đời sống đồng bào sẽ ổn định. Hiện ở xã An Toàn, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đang triển khai dự án trồng thử nghiệm dược liệu sạch trên diện tích hơn 3 ha. Qua 3 năm khảo nghiệm, dự án đã cho kết quả khả quan. Dự án này khi thành công sẽ được Công ty phối hợp với đơn vị chúng tôi để nhân rộng cho người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương”.
Huyện An Lão đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 tiếp tục giao khoán hơn 22.700 ha rừng; trồng 1.000 ha rừng ổn định mỗi năm; giao đất, cho thuê 500 ha đất lâm nghiệp/năm; đặc biệt triển khai mô hình khoanh nuôi bảo vệ 300 ha sim tại xã An Quang, đồng thời tổ chức triển khai trồng rừng bằng keo lai kết hợp với trồng sao đen. Trước mắt trong năm 2019, huyện tiếp tục khoanh nuôi tái sinh 200 ha mây tự nhiên, tăng 100 ha so với năm 2018, phấn đấu hết năm 2020, hoàn thành khoanh nuôi 300 ha mây tự nhiên; trồng 60 ha cây dược liệu; xây dựng 10 - 15 mô hình kinh tế nông lâm kết hợp; 8 - 10 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng rừng có giá trị kinh tế cao.
THY PHƯƠNG - NGỌC NHUẬN