THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT PHÙNG ÐỨC TIẾN:
Bình Ðịnh phải trở thành điểm sáng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến làm Trưởng đoàn đã về làm việc tại Bình Ðịnh xung quanh vấn đề thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu - EC. PV Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến.
* Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về những gì mà tỉnh Bình Định đã làm được nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC?
- Đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về nhiều nội dung lớn liên quan đến IUU để có đánh giá đúng mức toàn diện hơn về các giải pháp mà tỉnh Bình Định triển khai trong thời gian qua làm căn cứ chứng minh rằng Bình Định cùng với các tỉnh, thành ven biển trên cả nước đã thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của EC, để EC có cơ sở xem xét việc xóa “thẻ vàng”.
Nhìn chung, so với các tỉnh, thành khác mà tôi trực tiếp đi kiểm tra gần đây, Bình Định thực hiện rất tốt. Nhận thức của lãnh đạo tỉnh Bình Định về IUU rất đầy đủ, tôi đánh giá cao những nỗ lực mà tỉnh Bình Định đã thực hiện chống khai thác IUU trong thời gian qua. Cơ sở hạ tầng của cảng cá Quy Nhơn tốt hơn nhiều so với các địa phương khác, hải sản khai thác khi đưa vào cảng có nhà phân loại, công tác dọn vệ sinh thực hiện 2 lần/ngày là rất đảm bảo, bài bản; việc kiểm tra tàu cá xuất nhập cảng, xác nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn hoạt động chuyên nghiệp, tất cả thủ tục hành chính, quy trình đã thông thuộc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (ngồi đầu tiên bên phải) kiểm tra hồ sơ lưu trữ việc kiểm soát tàu cá, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn.
* Vậy theo Thứ trưởng, tỉnh Bình Định có cần triển khai thêm những gì?
- Tốt thì tốt nhưng ta vẫn cần phải tốt hơn nữa. Chúng ta buộc phải từng bước chuyển từ “nghề cá nhân dân” sang nghề cá có trách nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế. “Thẻ vàng” thủy sản từng là bài học của Thái Lan và nhiều nước khác, bây giờ Việt Nam mới bắt đầu hội nhập, làm quen với những quy tắc có tính toàn cầu, chắc chắn sẽ có những khó khăn, vướng mắc, không chỉ riêng Bình Định mà cả nhiều địa phương khác cũng thế.
Như tôi có khẳng định, Bình Định đã làm tốt, nhưng vẫn còn một số khiếm khuyết, hạn chế. Đã làm tốt rồi thì Bình Định phải làm tốt hơn nữa để trở thành điểm sáng cho các địa phương khác học tập.
Công tác tuyên truyền giáo dục nhận thức cho ngư dân rất quan trọng, tôi thấy vui vì truyền thông địa phương quan tâm, bám sát vấn đề này. Thật ra vẫn còn một vài ngư dân chưa chấp hành tốt, nhưng nếu chúng ta tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giải thích cặn kẽ thiệt hơn cho bà con ngư dân, tôi tin bà con sẽ thực hiện tốt. Bình Định nên đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định liên quan. Đặc biệt là việc ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
* Để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện Luật Thủy sản và các quy định liên quan hướng đến phát triển nghề cá bền vững, Bộ NN&PTNT sẽ có những giải pháp nào, thưa ông?
- Tôi rất quan tâm những kiến nghị của Bình Định. Trên cơ sở những khó khăn, kiến nghị của Bình Định cũng như các địa phương khác, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp 28 tỉnh, thành ven biển xây dựng một kịch bản tổng thể để thống nhất điều hành chung, như vậy mình sẽ học được những cái hay, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó, khắc phục cái dở rất nhanh. Tránh trường hợp một vấn đề, một thực tế mà mỗi nơi lại xử lý một phách. Nghị định 42 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã có hiệu lực từ ngày 5.7 vừa qua, các hướng dẫn cụ thể triển khai thực thi cũng sẽ phải sớm có ngay để thi hành.
Sắp tới, Bộ NN&PTNT cũng sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ CA để bàn giải pháp xử lý tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, không mở thiết bị giám sát hành trình; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giám sát tàu cá hoạt động trên biển, tàu cá xuất nhập cảng. Trong tháng 7.2019, cũng phải xây dựng hoàn thành hạ tầng thông tin kết nối quản lý dữ liệu giám sát tàu cá.
Với những vướng mắc, tồn tại trong việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản phải rà soát, thống kê cả nước có bao nhiêu tàu bị ảnh hưởng bởi hạn ngạch, để tham mưu Bộ cấp đủ hạn ngạch cho các tỉnh, thành, việc giải quyết phải uyển chuyển, đảm bảo đời sống ngư dân.
Theo kế hoạch, cuối tháng 10 đầu tháng 11.2019, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC sẽ đến Việt Nam để kiểm tra, và chắc chắn họ sẽ đến Bình Định. Khi EC vào kiểm tra, nếu tỉnh nào để tàu cá vi phạm thì chủ tịch tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Các địa phương cũng phải cùng chung tay với Bộ NN&PTNT để thực hiện nhiệm vụ.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)