Bộ Công Thương hoàn tất chuyển 12 dự án “yếu kém” sang Ủy ban Quản lý vốn
Bộ Công Thương cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, xử lý những công việc liên quan thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ kể cả khi 12 dự án yếu kém của ngành công thương hoàn tất chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh hoàn tất ký biên bản bàn giao 12 dự án “yếu kém” ngành công thương sang UBQLVNN. Ảnh: VGP/Phan Trang
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi bàn giao nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) diễn ra sáng ngày 9.7.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh đều nhất trí về việc đây là bước kiện toàn nhằm tạo sự thống nhất và hiệu quả trong việc phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện các phương án xử lý các dự án thua lỗ theo Đề án chung của Chính phủ trong bối cảnh UBQLVNN tại doanh nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Việc bàn giao vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương theo quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện để Ủy ban Quản lý vốn thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các Tập đoàn/Tổng công ty nói trên. Đồng thời, tạo thuận lợi trong phối hợp giữa UBQLVNN với Bộ Công Thương và các Bộ ngành trong việc tiếp tục xử lý các dự án này.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc xử lý 12 dự án yếu kém đã có nhiều khởi sắc, 2/12 dự án được kiến nghị đưa ra khỏi danh sách này, các dự án còn lại đều đã bước đầu vận hành thuận lợi, cắt lỗ…
“Nhưng những việc sau này vẫn còn rất nặng nề, cần sự quan tâm lớn của các cấp các ngành. Còn nhiều dự án đang vướng tranh chấp pháp lý giữa nhà thầu với nhà đầu tư nước ngoài ở hợp đồng EPC như dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án Nhà máy giấy Phương Nam… Mặc dù Bộ Công Thương bàn giao các dự án này sang Ủy ban nhưng chúng tôi cam kết tiếp tục phối hợp xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ, vì mục tiêu chung hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao”, Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Công Thương) thông tin thêm về tình hình chuyển biến ở các dự án như sau: Trong số 6 nhà máy trước đây có sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đã có 2 nhà máy sản xuất trở lại, bước đầu có lãi, đang đề xuất đưa 2 Nhà máy này ra khỏi danh sách (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng, Nhà máy thép Việt Trung); 4 dự án còn lại đang tiếp tục từng bước ổn định sản xuất (Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, Nhà máy đạm Ninh Bình, Công ty DQS).
2/3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đã vận hành trở lại (Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi). Còn dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã chuẩn bị xong các khâu liên quan, sẵn sàng khởi động lại ngay khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Còn lại 3 dự án đang xây dựng dở dang gồm: Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã hoàn thành định giá lại, chuẩn bị trình Bộ Công Thương phương án bán đấu giá theo quy định; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang tiếp tục gặp khó khăn do các cổ đông không góp thêm vốn để triển khai dự án; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC.
Theo Phan Trang (Chinhphu.vn)