Phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo lợi ích người dân
Tham gia thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 9 HÐND tỉnh khóa XII vào chiều 9.7, nhiều đại biểu quan tâm đến tình hình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đại biểu (ĐB) Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh (đơn vị Quy Nhơn), sau nhiều năm trăn trở tìm nguồn vốn, các dự án như QL 19 mới, đường phía Tây tỉnh, đường trục Khu Kinh tế Nhơn Hội - sân bay Phù Cát, hồ Đồng Mít, đập ngăn mặn Lại Giang, sửa chữa 12 hồ chứa nước xuống cấp… đang được tích cực triển khai thực hiện. Khi hoàn thành, các công trình này sẽ mở ra cơ hội phát triển rất lớn đối với tỉnh cũng như góp phần đảm bảo an sinh cho người dân. Một kết quả nổi bật nữa là tỉnh đã thực hiện được 2 quy hoạch lớn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững: Đồ án quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2035 (cả nước chỉ có 5 tỉnh được thông qua - PV) và Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040.
“Dân khổ hơn thì sẽ không làm!”
Dù đã có nhiều điểm sáng, song công tác thu hút đầu tư còn nhiều điều phải bàn. ĐB Võ Đình Thú, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh (đơn vị Phù Cát) cho rằng tỉnh cần có biện pháp xử lý mạnh đối với các dự án không triển khai thực hiện. ĐB này dẫn chứng: “Năm 2016, UBND tỉnh giao cho Thanh tra tỉnh thanh tra 22 dự án được chấp thuận đầu tư, kết quả cho thấy chỉ có 1 dự án triển khai, 2 dự án cho thuê mặt bằng, còn lại 18 dự án “đắp chiếu”. Trong 18 dự án này, tỉnh mới thu hồi 8 dự án”. Đồng quan điểm, ĐB Phạm Ngọc Trình (Phù Cát) cũng đề nghị tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư đã được giao đất để làm dự án phải có trách nhiệm quản lý và triển khai thực hiện, tránh tình trạng “đụng đâu kêu đó”.
“Quan điểm của tỉnh là làm dự án mà dân khổ hơn thì sẽ không làm!”
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng bày tỏ: “Công tác giải phóng mặt bằng hiện nay rất khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước của các cơ quan, đơn vị liên quan. Đơn cử như việc áp dụng mức giá đền bù tại dự án đường trục Khu Kinh tế Nhơn Hội - sân bay Phù Cát, các ngành liên quan chưa cập nhật thông tin về mức giá đền bù, tạo ra chênh lệch khiến người dân phản ứng, tỉnh phải “chữa cháy” bằng cách hỗ trợ thêm 5%”.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định: “Từ nay trở đi nếu có dự án đầu tư, chúng ta phải tính tới lợi ích giữa người dân với DN, đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Ví như dự án du lịch thì phải cho người dân tham gia vào hoạt động du lịch chứ không giải tỏa trắng. Quan điểm của tỉnh là làm dự án mà dân khổ hơn thì sẽ không làm!”.
“Hằng năm, tỉnh đều tổ chức các đoàn công tác thực hiện xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Cần có tổng kết cụ thể hiệu quả mang lại như thế nào, được cái gì, mất cái gì. Đặc biệt là phải so sánh được kết quả đầu tư của các DN trong nước và ngoài nước để tính toán, điều chỉnh lại hoạt động này cho phù hợp”.
ÐB SÔ MINH PHƯƠNG (Vân Canh)
Liên quan đến lĩnh vực này, ĐB Lê Đình Giám (Phù Mỹ) bày tỏ băn khoăn khi thời gian qua trên địa bàn huyện có một số dự án triển khai gặp phải phản ứng của người dân, tuy nhiên sau khi ổn định được dư luận thì tiến độ thực hiện lại khá chậm. “Các cơ quan chức năng cần có những động thái cụ thể trong việc rà soát, kiểm tra cũng như làm việc chặt chẽ với nhà đầu tư để đảm bảo tiến độ dự án”, ĐB Giám nói.
ĐB Nguyễn Thanh Trà (Tây Sơn) đặt vấn đề cần xem xét, đánh giá lại các dự án nhà ở, xem có dựa trên nhu cầu của người dân hay không, tránh bị lợi dụng để đầu cơ bất động sản. “Việc thu hút đầu tư là cần thiết nhưng cần phải gắn liền với điều kiện sống của người dân tại nơi có dự án. Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác kiểm tra trong và sau khi dự án kết thúc còn chưa chặt chẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống của bà con sở tại”, ông Trà thẳng thắn nói.
Công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc.
- Trong ảnh: Lắp đặt các tấm pin mặt trời tại Nhà máy điện mặt trời Fujiwara (100% vốn Nhật Bản) tại Khu Kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: QUÝ HÂN
Lo an sinh cho dân
Một trong những vấn đề thời sự nhất hiện nay là dịch tả heo châu Phi. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, tỉnh đang quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả. “Thực tế, dịch chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô vài chục con. Ở những trang trại lớn, năng lực phòng chống dịch cao, công tác xử lý, sát trùng rất kỹ lưỡng”, ông Châu cho biết thêm.
Phiên thảo luận tổ chiều 9.7 tại tổ 1. Ảnh: Văn Lưu
ĐB Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho hay: “Hoài Ân hiện chỉ phát hiện dịch tả heo châu Phi tại 5 hộ ở 3 xã. Hầu hết lượng heo trên địa bàn hiện chỉ còn heo nái, heo con; heo thịt đã xuất bán gần hết. Cả hệ thống chính trị của huyện đang tích cực vào cuộc, dồn lực cho công tác phòng dịch, xử lý dịch”.
Bên cạnh dịch bệnh, đáng lo là tình hình nắng nóng kéo dài đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Theo thống kê, đã có 125 ha lúa chết do khô hạn, 10.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Là Bí thư Huyện ủy Tuy Phước, ĐB Mai Văn Ngọc bày tỏ lo lắng trước tình trạng thiếu nước sạch diễn ra khắp huyện, bởi công suất của các nhà máy có hạn, không đủ cung cấp.
ĐB Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết nhiều giải pháp đã được thực hiện để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch. Trong đó, trọng tâm là thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch mới. Trước mắt, ngành NN&PTNT đã dành kinh phí để đấu nối thêm đường ống, mở rộng địa bàn cung cấp. “Công suất nhà máy còn nhỏ mà mật độ dân cư ở các địa bàn không đồng đều, nên chúng tôi thực hiện phân phối nước luân phiên theo các khung thời gian trong ngày ở các địa bàn khác nhau”, ông Hùng cho hay.
Vừa qua, Bộ CHQS tỉnh và CA tỉnh cũng đã thực hiện thống kê tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các huyện. Bộ CHQS tỉnh đã huy động xe bồn, cùng với CA tỉnh chở nước, hỗ trợ cho người dân nhằm hạn chế tình trạng người dân phải mất nhiều tiền để mua nước mà không rõ chất lượng nước.
Đừng để Kỳ Co thành “kỳ cục”
Sự phát triển nóng của ngành du lịch thời gian gần đây tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội của HÐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân (ảnh) cho rằng, tỉnh và TP Quy Nhơn đã dồn nhiều nguồn lực cho ngành Du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển khá nhanh đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý. Mới nhất là thông tin về tình trạng “chặt chém” tại khu du lịch Kỳ Co (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn). “Mạng xã hội kêu gọi tẩy chay khu du lịch này, gọi “Kỳ Co” là “kỳ cục”, không khắc phục ngay thì rất nguy hiểm”, bà Vân cảnh báo.
ÐB Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thừa nhận du lịch Bình Ðịnh đang phát triển nóng. Tần suất máy bay cất cánh là 21 chuyến đi và 21 chuyến đến mỗi ngày, lượng khách đến bình quân khoảng 1.000 người/ngày. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa đáp ứng được. Ðơn cử, khu du lịch Kỳ Co có ngày cao điểm tiếp nhận gần 5.000 người, trong khi thực tế chỉ đáp ứng khoảng 600 người; DN vừa đầu tư vừa khai thác, dẫn đến tình trạng quá tải. Về vấn đề này, tỉnh cũng đã phê bình, kiểm điểm các chủ đầu tư, yêu cầu khống chế lượng khách để đảm bảo các dịch vụ đáp ứng yêu cầu, nhằm hướng đến sự hài lòng cho du khách.
NHÓM PV PHÒNG XDĐ-NC-BĐ