Phong trào nhà nông sáng tạo: Cần khuyến khích, tiếp sức
Thông qua Hội thi Sáng tạo nhà nông được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở KH&CN tổ chức hàng năm, những gương nông dân điển hình trong sáng chế máy móc, đưa nhanh các tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều. Dù vậy, để phong trào sáng tạo nhà nông phát triển rộng khắp và bền vững, các nhà nông đang cần được khuyến khích, tiếp sức.
Anh Lê Văn Thành đang mong muốn được hỗ trợ vay vốn để sắm thêm đồ nghề.
Theo ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, nông dân Bình Định có truyền thống sáng tạo, chịu khó tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn trong lao động, sản xuất. Khoảng hơn 10 năm qua, khi phương tiện thông tin phát triển, việc học hỏi dễ dàng hơn, hàng hóa thông thương giúp việc mua sắm đồ nghề thuận tiện, sự sáng tạo ấy đã thành phong trào sôi nổi. Có thể kể đến một vài cải tiến, sáng chế máy móc tiêu biểu trong những năm qua như: Bẫy diệt chuột bằng tre do ông Trần Xuân Lung ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước sáng chế, máy tách hạt bắp của anh Lê Văn Thành ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn; một số nông dân ở huyện Hoài Nhơn sáng tạo ra hệ thống máy tuốt hạt tiêu, máy ép nông sản, máy ép bún có gắn cảm biến quang học. Ở TP Quy Nhơn có ông Lê Văn Quyền ở phường Hải Cảng nổi tiếng khắp trong, ngoài tỉnh với sáng chế máy đánh dây thừng độc đáo. Những mô hình sản xuất mới được người nông dân tham khảo, học hỏi ở địa phương khác rồi ứng dụng tiến bộ KHKT vào thêm để cho ra sản phẩm như ý, có thể kể đến mô hình nuôi cá Koi ở TX An Nhơn và trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Vĩnh Thạnh.
Phong trào sáng tạo phát triển giúp người nông dân giảm đáng kể sức lao động mà năng suất lại tăng, việc sản xuất thuận lợi tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập khá. Một số “nhà khoa học chân đất” tâm sự, sáng tạo không chỉ là nhu cầu mưu sinh mà đã trở thành đam mê trong họ. Không ít người trong số đó khi có ý tưởng, dù chưa biết kết quả ra sao, nhưng vẫn tìm tòi cải tiến, hăng say nghiên cứu, mà trường hợp ông Lê Văn Quyền là điển hình. Ông Quyền chia sẻ: “Nhớ lúc làm ra cái máy đầu tiên, tôi mừng lắm, nhưng quá trình vận hành vẫn gặp trục trặc. Vậy là tôi lại tìm cách cải tiến. Cứ vậy, 5 - 7 cái máy đánh dây lần lượt ra đời đều xuất phát từ nhu cầu trước, sau càng nghiên cứu càng thấy mê. Giờ trong đầu tôi lúc nào cũng suy nghĩ cách tối ưu hóa hoạt động của nó, làm sao để máy móc của mình ngày càng phải tốt hơn, tốt hơn nữa”.
Thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân và Sở KH&CN giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm, hai đơn vị phối hợp tổ chức Hội thi “Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định”. Theo đánh giá của Ban tổ chức, số lượng giải pháp gởi đến Hội thi ngày càng nhiều, chất lượng không ngừng tăng lên, điều đó cho thấy tiềm năng trong nông dân là rất lớn. Dù vậy, qua khảo sát thực tế tại các huyện, việc phát hiện ra sáng chế của nông dân lại không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Mỹ, cho biết: “Hội Nông dân huyện giao hội nông dân các xã và chi hội nông dân các thôn nắm bắt, phát hiện việc này trên địa bàn mình phụ trách. Dù vậy, nơi nào cán bộ hội tích cực gắn bó với cơ sở thì mới nắm bắt sâu sát được”.
Một lo ngại khác của không ít nông dân, nhất là số người sản xuất máy hàng loạt để bán hoặc dùng máy phục vụ sản xuất, là vấn đề bản quyền. Trên thực tế, từ khi thẩm định đến khi nhận được giấy chứng nhận bản quyền mất tới mấy năm. “Chúng tôi chỉ là tay ngang, những người học hành bài bản nhìn vào máy của chúng tôi sẽ bắt chước được ngay, thậm chí làm tốt hơn chúng tôi rất nhiều” - một số “nhà khoa học chân đất” thật tình chia sẻ.
Mặc dù đang có không ít chương trình hỗ trợ nông dân nhưng theo Hội Nông dân tỉnh, hiện vẫn chưa có chương trình nào hỗ trợ nông dân sáng tạo. Thiếu vốn mua sắm đồ nghề, trang thiết bị, xây nhà xưởng cũng là một cản trở lớn với họ. Anh Lê Văn Thành ở huyện Tây Sơn từng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ cho vay vốn tầm 100 triệu đồng để mua sắm thêm đồ nghề sáng chế ra các loại máy móc theo đơn đặt hàng.
NGỌC TÚ