Nghề nuôi thủy sản trên biển ở Quy Nhơn: Cần quy hoạch tốt để phát triển bền vững
Những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản trên biển ở tỉnh ta phát triển tập trung ở phường Hải Cảng, xã Nhơn Châu, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, với kiểu nuôi lồng, bè không được quy hoạch như hiện nay khiến nghề này chưa thể phát triển bền vững.
Bè nuôi thủy sản tại khu vực Hải Minh Trong, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn).
Nghề nuôi cá lồng, bè trên biển phát triển mạnh ở khu vực Hải Minh Trong, phường Hải Cảng. Hiện khu vực này có 107 hộ nuôi cá chẽm, cá bớp, cá điêu hồng, cá mú, cá hồng mỹ… với trên 1.266 lồng nuôi, 188 bè nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thành, một hộ nuôi cá ở khu vực Hải Minh Trong, cho hay: “Tôi thả nuôi hơn 4.000 con cá bớp, 10.000 con cá chẽm, hơn 10.000 con cá mú trên 50 lồng nuôi. Thức ăn là mồi cá tươi cắt nhỏ hoặc ruốc. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập vài trăm triệu đồng từ nghề nuôi cá. Cá nuôi được bán tại các chợ đầu mối ở Quy Nhơn, bán cho thương lái ở Phù Cát và một số nơi khác”.
Theo thống kê của UBND phường Hải Cảng, trong 6 tháng đầu năm 2019, các hộ nuôi thủy sản ở khu vực Hải Minh Trong đã thả nuôi 38 vạn con giống, xuất bán 65,4 tấn cá. Theo ông Đinh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Cảng, nghề nuôi thủy sản trên biển ở khu vực Hải Minh Trong phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn mang tính tự phát nên phường đã thành lập Tổ cộng đồng nuôi thủy sản để quản lý, hỗ trợ bà con trong phòng ngừa dịch bệnh. Về lâu dài, phường sẽ đề nghị thành phố quy hoạch vùng nuôi để phát triển ổn định, bền vững.
Vài năm trở lại đây, nghề nuôi thủy sản cũng phát triển mạnh tại xã đảo Nhơn Châu với nghề nuôi mực, nuôi cá trên lồng bè. Toàn xã hiện có 63 hộ đầu tư thả nuôi khoảng 30.000 con tôm hùm, hơn 10.000 con mực lá, gần 1.000 con cá dìa, cá kình trên 19 bè nuôi. Ông Phan Minh Lanh, người nuôi mực ở thôn Trung, xã Nhơn Châu, chia sẻ: “Bè của tôi hiện nuôi hơn 2.000 con mực lá. Mực giống chủ yếu do chính tôi đánh bắt và thả vào lồng để nuôi, sau thời gian từ 3 - 4 tháng sẽ xuất bán. Hiện ở xã đang phát triển du lịch nên sản phẩm được tiêu thụ tại chỗ, lại được giá nên thu nhập rất tốt”.
Người dân Hải Minh Trong xuất bán cá chẽm nuôi ở lồng bè.
Xã Nhơn Hải được biết đến là vựa nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh; cả xã có 54 hộ ngư dân thả nuôi hơn 162 nghìn con tôm hùm giống trên 25 bè nuôi; 65 hộ ngư dân thả nuôi hơn 50.000 con tôm hùm thương phẩm trên 36 bè nuôi; 3 hộ đầu tư thả nuôi 3.200 con cá bớp thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Điện, một hộ nuôi tôm hùm thương phẩm ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, cho biết: “Nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh và mang lại thu nhập cao cho bà con nuôi tôm. Tuy nhiên, năm nay giá tôm hùm thương phẩm giảm sâu, cộng với việc phát sinh dịch bệnh, chi phí thức ăn tăng cao nên người nuôi gần như không có lãi. Nghề nuôi tôm hùm phụ thuộc quá nặng vào thị trường Trung Quốc, chủ yếu là xuất tiểu ngạch nên việc được mùa mất giá, mất mùa được giá thường xuyên xảy ra”.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hơn 4.300 ha, trong đó diện tích nuôi thủy sản nước ngọt hơn 1.500 ha, diện tích nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ hơn 2.700 ha (trong đó có hơn 2.300 ha nuôi tôm nước lợ, còn lại là diện tích nuôi cá bớp, cá mú, tôm hùm, mực…).
Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản - Chi cục Thủy sản, cho biết: Do đặc điểm tự nhiên của vùng biển Bình Định là vùng biển hở, không kín gió, thường xuyên bị ảnh hưởng của gió bão nên không thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản trên biển bằng lồng, bè như hiện nay. Để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản trên biển, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhằm phối hợp xây dựng các chuỗi giá trị nuôi thủy sản biển, nâng cao giá trị sản phẩm.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN