Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hút khách du lịch quốc tế
Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu sụt giảm liên tiếp trong 2 tháng gần đây. Hơn thế, 2 quốc gia luôn dẫn đầu về số lượng cũng như tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang có chiều hướng chững lại.
Nhiều người lo ngại, nếu cứ đà này, du lịch Việt Nam khó đạt con số 17,5 - 18 triệu lượt khách quốc tế như kỳ vọng.
Du khách nước ngoài tham quan vịnh Lan Hạ ở quần thể danh thắng vịnh Hạ Long
Khách Hàn Quốc, Trung Quốc giảm
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6 vừa qua đạt hơn 1,1 triệu lượt người - chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam mới đón khoảng hơn 8,4 triệu lượt khách quốc tế trong nửa năm đầu 2019, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018; khách quốc tế đến bằng đường hàng không đạt hơn 6,6 triệu lượt; khách đến bằng đường biển chỉ đạt hơn 139.000 lượt, giảm gần 20%; khách đến bằng đường bộ tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số thị trường khách quốc tế tăng mạnh nhất như Thái Lan hơn 45%, Đài Loan tăng 27%... Tổng thu từ du lịch ước khoảng 338.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Song lượng khách đến từ những thị trường nguồn lại có dấu hiệu chững lại và giảm ngay từ những tháng đầu năm.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phân tích, khách quốc tế đến Việt Nam giảm không phải hiện tượng bất thường. Thời điểm này là mùa cao điểm du lịch nội địa, nhưng lại là mùa thấp điểm đối với các thị trường khách quốc tế. Một số lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch lớn cũng khẳng định, một số thị trường khách quốc tế sẽ suy giảm trong thời điểm này. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khách quan dẫn tới con số đáng lo ngại kia là do ảnh hưởng từ căng thẳng Mỹ - Trung, các trung tâm du lịch trong khu vực cạnh tranh gay gắt, một số điểm đến dần bão hòa, chưa kể một số hạng mục cơ sở hạ tầng như sân bay, cầu cảng quá tải.
Theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch, nguyên nhân khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chững lại là do kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cùng với đó, các nước trong khu vực cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các chính sách như: tăng cường đầu tư xúc tiến quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực nhập cảnh…
Kỳ vọng vào dòng khách lẻ
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch, phân tích, nhìn lại 6 tháng đầu năm thì còn thiếu tới 9,1 triệu lượt khách so với mục tiêu đề ra. Một con số không nhỏ. Nhưng nếu nỗ lực hơn nữa thì vẫn có thể kỳ vọng đạt được kế hoạch bởi 2 quý cuối năm mới là giai đoạn cao điểm của du khách.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng cho biết, để nỗ lực đưa khách đến với Việt Nam nhiều biện pháp cụ thể đã ngay lập tức được triển khai. Trước hết là đẩy mạnh xúc tiến tại 2 thị trường nguồn là Trung Quốc, Hàn Quốc. Hàng loạt sự kiện quảng bá du lịch đã được đẩy lên sớm ngay trong tháng 5-6 vừa qua, thay vì cuối năm như trên kế hoạch. Một số gói kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến đã được điều chuyển linh hoạt tập trung cho 2 thị trường này.
Xuất phát từ xu hướng chung của du lịch thế giới là phát triển mạnh thị trường du lịch đi lẻ, đi tự túc theo nhóm, thay vì khách charter flight (thường được hiểu là một chuyến bay thuê bao dành riêng cho các đoàn khách lớn) thì chiến dịch tiếp thị, xúc tiến cũng có thay đổi. Việc quảng bá điểm đến Việt Nam hấp dẫn và thân thiện, hướng tới đối tượng khách đơn lẻ.
Các chiến dịch quảng cáo được nhắm tới tầng lớp trẻ, thích khám phá, với kỳ vọng bù đắp lại thiếu hụt do thay đổi cơ cấu nguồn khách. Song song với đó, các thị trường khách quốc tế khác giàu tiềm năng, đem lại doanh thu cao như: Nga, Mỹ, Nhật Bản… cũng được “chăm sóc” tốt đem lại con số tăng trưởng khả quan.
Cùng có chung lo lắng về số liệu thống kê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình cũng cho rằng, thời gian qua, du lịch tăng trưởng, tuy nhiên chính sách mới kích thích thị trường chưa nhiều, cho nên nếu chỉ dựa vào nỗ lực doanh nghiệp để tăng trưởng là chưa đủ. Các chuyên gia nhiều lần phân tích, đề xuất các chính sách mới về visa, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn cũng như cần thêm chính sách mới khác.
Liên quan tới thay đổi mang tính siết chặt hơn cho đối tượng xin visa du lịch Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng, đây là những sự việc vô cùng đáng tiếc, không mong muốn. Trong thời gian tới, tổng cục sẽ phối hợp với các cấp, các ngành kêu gọi công dân Việt Nam chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật của các nước sở tại khi đi du lịch. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch.
Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2019
Lễ vinh danh doanh nghiệp du lịch hàng đầu và tặng giải thưởng du lịch Việt Nam 2019 sẽ tổ chức vào ngày 15-7. 95 giải thưởng sẽ được trao cho các hạng mục du lịch như: lữ hành, khách sạn, doanh nghiệp vận tải khách du lịch bằng ô tô, đường thủy và hàng không, nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, khu du lịch và vui chơi giải trí, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, sân golf, doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch có đóng góp lớn cho sự phát triển du lịch Việt Nam.
Theo MAI AN (SGGP)