Nhạt phai hương sắc rượu cần
Thưởng thức rượu cần là một trong những nét đẹp đặc trưng trong bản sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số miền núi ở huyện Hoài Ân. Thế nhưng, giờ đây hương sắc rượu cần của đồng bào ở đây đang dần mất đi...
1. Trước đây, đến thăm các xã vùng đồng bào dân tộc Bana, H’re ở Hoài Ân vào dịp lễ hội làng, khách thường được người dân địa phương tiếp đón bằng ché rượu cần uống qua những cây cần làm bằng cây giang, cây k’triêng. Men rượu cần thơm ngát hòa với không gian mênh mông của trời đất, với ánh lửa bập bùng dưới mái nhà rông, nhà sàn đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào.
Mí Sơn - người dân tộc Bana ở làng T2, xã Bok Tới - là một trong số ít người còn giữ được bí quyết làm rượu cần truyền thống. Rượu cần của Mí Sơn nổi tiếng thơm ngon, đúng chất lượng rượu cần truyền thống. Mí Sơn cho biết: “Để làm một hũ rượu ngon phải qua nhiều công đoạn, tỉ mỉ lắm. Quan trọng là thực hiện đúng công thức lên men và cách ủ nguyên liệu. Việc làm men truyền thống rất nhọc công, phải lên rừng chọn vỏ cây, củ riềng rừng đem về phơi cho được nắng, sau đó giã nhuyễn bằng cối… để tạo nên hỗn hợp chất men truyền thống. Nguyên liệu làm rượu cần có thể là bắp, hoặc mì gòn, nhưng bằng nếp là ngon nhất”.
Cách làm rượu cần là nấu chín nguyên liệu thật đều, sau đó trộn với men cây rồi dàn ra mặt phẳng cho nguội. Tiếp đó đổ từng lớp nguyên liệu và trấu xếp chồng lên nhau trong ché, dùng lá chuối bịt miệng ché. Sau khoảng một tháng thì rượu có thể uống được, để càng lâu thì càng thơm ngon hơn.
2. Việc làm rượu cần ở nhiều làng đồng bào dân tộc ở Hoài Ân hiện nay đã không còn theo cách thức truyền thống. Bây giờ người ta toàn ủ rượu bằng men làm sẵn (men công nghiệp), thứ men này vừa nhanh lại vừa tốn ít công sức. Chất lượng loại “rượu cần công nghiệp” này cố nhiên thua xa rượu cần được làm theo cách thức truyền thống.
Anh Đinh Xuân Cư, người hay làm rượu cần ở xã Đak Mang, cho biết: “Nhiều gia đình Bana ở xã Đak Mang hiện nay khi làm rượu cần đều dùng men công nghiệp, giá rẻ và chỉ ủ 5-10 ngày đã có thể dùng được. Thứ rượu ủ bằng men công nghiệp có độ cồn cao hơn, nhưng để lâu sẽ bị chua và không thơm”.
Cùng với cách thức làm rượu kiểu hàng chợ, cách thưởng thức rượu cần cũng xô bồ và không còn tuân thủ những quy tắc cơ bản nữa. Trước đây đồng bào thường chỉ dùng đến rượu cần vào những dịp lễ hội, gia đình có dịp vui, có khách quý đến nhà. Theo quan niệm của đồng bào Bana, rượu cần nhất thiết phải được uống với sự trân trọng. Khi được mời uống, khách phải đón nhận bằng hai tay, nếu dùng một tay thì đó nhất định là tay phải, nếu cầm tay trái là tỏ ý coi thường. Để bày tỏ tình cảm trân trọng với người mời rượu, khách sẽ vuốt nhẹ cần từ dưới lên trên rồi mới xin phép được uống và uống một cách từ tốn. Khi thưởng rượu, điều tối kỵ là vít cần mạnh đến mức làm gãy cần rượu. Cần rượu không bao giờ buông mà phải chuyển từ người này sang người khác khi việc mời rượu vẫn còn.
Cụ Đinh Dăng, ở làng O10, xã Đak Mang, tâm sự: “Đã buồn cái bụng khi cách làm rượu cần khác xưa, lại càng buồn hơn là nhiều người, nhất là lớp trẻ hiện nay thưởng thức rượu cần mà không hiểu hết văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhiều người bạ đâu cũng đem rượu cần ra uống. Khi mình không thực hiện đúng các quy tắc tâm trí con người dễ bị say, uống rượu rồi làm những việc trái quấy. Tham gia một số Ngày hội Văn hóa - Thể thao các các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh, tôi còn thấy có nơi họ dùng ống nhựa để uống rượu cần, trời ơi không thể làm như thế với rượu cần!”.
Giờ đây, ngay ở huyện Hoài Ân, ngày càng khó tìm được thứ rượu cần làm từ men cây rừng. Thứ rượu cần để lâu năm, khi mở lớp lá chuối bịt hũ, hương rượu thơm ngát, lan tỏa nồng nàn, làm say đắm bao người lại càng hiếm hơn.
VÕ CHÍ HÀ