Khu kinh tế Nhơn Hội: Tại sao “đi trước về sau”?
Xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội chưa đạt như kỳ vọng là một trong những vấn đề lớn được quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XII diễn ra ngày 11.7.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
10 năm chưa xong hạ tầng
Tham gia phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (đơn vị Quy Nhơn) - bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến tình hình của Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội. KKT này có 3 khu công nghiệp (KCN) A, B, C, được giao cho 3 nhà đầu tư hạ tầng. “Từ khi giao đất cho 3 nhà đầu tư đến nay, hạ tầng của 3 KCN đã được đầu tư đến đâu? 3 nhà đầu tư đã tổ chức bao nhiêu cuộc tiếp xúc kêu gọi đầu tư, hiệu quả ra sao? Sắp tới cần thực hiện giải pháp gì để phát triển sản xuất công nghiệp tại 3 KCN, đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà?”, ĐB Toàn đặt vấn đề.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Phan Viết Hùng, đến nay, ở khu C cơ bản nhà đầu tư chưa làm được gì. Với khu B, hạ tầng hoàn thành khoảng 50 - 60%, nhưng tiến độ còn chậm; tỷ lệ này ở khu A là 70 - 75%. “Về thu hút đầu tư, nhà đầu tư của khu A sốt sắng, có chuyển động tích cực. Còn nhà đầu tư của khu B tiếp xúc, mời chủ yếu là nhà đầu tư từ Hồng Kông, Trung Quốc. Mỗi năm cũng vài ba lượt đến rồi lại đi, hứa hẹn nhưng không quay lại”, ông Hùng thông tin.
Hạ tầng KKT Nhơn Hội chưa hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong thu hút đầu tư.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời này, ĐB Lê Kim Toàn tiếp tục phân tích, kể từ khi giao đất cho các nhà đầu tư (năm 2007), bỏ qua 2 năm “vướng” do chủ trương dành đất cho Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội, tính đến nay cũng đã tròm trèm 10 năm. Mục tiêu đặt ra là đầu tư hoàn thiện hạ tầng, sau đó xúc tiến, kêu gọi đầu tư; nếu mục tiêu đầu không xong thì sao làm được cái thứ hai?
Đeo đuổi kiến nghị của cử tri
Tại phiên thảo luận tổ kỳ họp lần này, ĐB Huỳnh Thúy Vân và Trần Ánh Tuyết (Quy Nhơn) tiếp tục nêu câu hỏi đã đặt ra từ kỳ họp lần trước. Đó là việc Công ty TNHH SX-TM&DV Tiến Thuật (KCN Phú Tài) mở rộng, san lấp mặt bằng nhưng chưa làm hệ thống cống thoát nước tại khu vực Bàu Cỏ (thuộc tổ 6, KV 6, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn); vào mùa mưa gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống khu vực xung quanh.
Trả lời tại hội trường sáng 11.7, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Phan Viết Hùng khẳng định Công ty này đã làm cống thoát nước và chính ông đã đi hiện trường kiểm tra. Ông Hùng cũng cho rằng, việc tắc nghẽn hệ thống thoát nước ở các khu dân cư tại KCN Phú Tài có nguyên nhân một phần từ thói quen xả rác bừa bãi của người dân.
ĐB Huỳnh Thúy Vân trưng ra bằng chứng là tin nhắn của đại diện chính quyền địa phương khẳng định DN chỉ xây kè giữ đất cho mình, chứ “không đá động gì đến hệ thống thoát nước cho dân”. Trao đổi với PV, bà Vân cho biết sau kỳ họp sẽ trực tiếp ra hiện trường để kiểm chứng thực tế.
“KKT Nhơn Hội nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khó khăn, được miễn giảm tiền thuê đất; bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng thiết yếu (trong đó có đường trục, điện, nước) đều từ ngân sách. Các KCN như Nhơn Hòa, Long Mỹ, đi sau nhưng đã lấp đầy, chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 - mở rộng quy mô. Tính về hiệu quả thì các dự án tại KKT Nhơn Hội không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân khách quan đã có, song phải chỉ ra nguyên nhân chủ quan, đề ra giải pháp”, ĐB Toàn nhấn mạnh.
Ông Phan Viết Hùng cho rằng, diện tích đất được giao lớn, trong điều kiện thu hút đầu tư khó khăn, nhà đầu tư không thể làm ngay một lần, mà phải áp dụng hình thức “cuốn chiếu”. Song, ông thừa nhận, về chủ quan, ngành chức năng chưa kiên quyết, còn cả nể đối với các nhà đầu tư. “Chúng tôi xin rút kinh nghiệm. Ban Quản lý KKT tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp quyết liệt. Yêu cầu đặt ra là đến năm 2020, phần diện tích nào chưa hoàn thành hạ tầng thì sẽ thu hồi”, ông Hùng cho hay.
Liên quan đến KKT Nhơn Hội, ĐB Phạm Hồng Sơn (Quy Nhơn) nêu tình trạng DN được giao đất nhưng không triển khai dự án. Có DN “giở bài” xin điều chỉnh quy hoạch để lấy cớ kéo dài thời gian. Về vấn đề này, ông Phan Viết Hùng cho hay, theo quy định không giới hạn số lần điều chỉnh quy hoạch, song đến nay trường hợp nhiều nhất cũng chỉ xin điều chỉnh 3 lần. “Quá trình thực hiện cũng có sự tham gia thẩm định của cơ quan chức năng xem có thật sự phù hợp không, chứ không thể nói DN muốn làm gì thì làm”, ông Hùng nói.
Nuôi chim yến: không thể thả nổi
Phần đăng đàn của Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ làm “nóng” hội trường với nhiều câu hỏi chất vấn, nhất là công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi chim yến. Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, việc nuôi chim yến đang phát triển rất nhanh, gây nhiều tiếng ồn, ô nhiễm môi trường cùng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Sở sẽ trực tiếp làm, sau đó hướng dẫn Phòng Tài chính và Phòng TN&MT huyện thực hiện”.
Giám đốc Sở NN&PTNT PHAN TRỌNG HỔ
Ông Hổ nói ngay, đây là vấn đề rất phức tạp, phức tạp từ việc các văn bản từ Trung ương chưa đủ cơ sở quản lý. Hiện nay, việc quản lý chủ yếu chỉ dựa vào quy định tiếng ồn dẫn dụ không quá 70 decibel. Thời gian gần đây, Sở NN&PTNT đã thực hiện kiểm tra vệ sinh môi trường ở vùng nuôi chim yến, tổ chức tập huấn cho người nuôi trước thông tin dịch bệnh cúm gia cầm lây sang chim yến (ở Thái Bình đang có dịch cúm gia cầm); đề nghị người nuôi khi phát hiện chim chết trong tổ thì phải báo cơ quan thú y để kiểm tra.
Sở NN&PTNT cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị người dân các vùng đô thị và huyện Tuy Phước tạm thời không phát triển nghề nuôi chim yến. Trong tháng 10.2019, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh Đề án quản lý nghề nuôi chim yến với 4 nội dung chính: Đánh giá thực trạng, tác hại cũng như lợi ích của nuôi chim yến; quản lý về môi trường, dịch bệnh và các vấn đề liên quan; xác định vùng quy hoạch nuôi chim yến; định hướng phát triển trong thời gian đến.
“Quy định tiếng ồn dẫn dụ chim yến không quá 70 decibel thì ai kiểm tra?”
ĐB PHẠM TRƯƠNG (Hoài Nhơn)
ĐB Phạm Trương (Hoài Nhơn) nêu thực trạng chim yến được nuôi rất nhiều trong khu dân cư tập trung, giữa thị trấn. Song, với văn bản mới đây của Sở NN&PTNT về tạm dừng nuôi chim yến vẫn chưa thể quản lý được; cần thiết có văn bản của UBND tỉnh mới đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. “Quy định tiếng ồn dẫn dụ không quá 70 decibel thì ai kiểm tra, phải phân cấp cho rõ!”, ông Trương đề đạt. Bên cạnh đó, ĐB Trần Kỳ Hậu (Quy Nhơn) cũng yêu cầu làm rõ “tạm dừng xây mới nhà nuôi chim yến, hay dừng hoạt động với các nhà đã xây”, bởi chi phí đầu tư cho nhà nuôi chim yến không phải là nhỏ.
Ông Phan Trọng Hổ khẳng định, việc “tạm dừng” ở đây áp dụng cho việc xây mới, chứ không bắt buộc các nhà yến đang sử dụng ngừng hoạt động. Và, trong khi chờ quy định mới của Trung ương, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản mới để kịp thời quản lý chặt chẽ hơn. Về kiểm tra tiếng ồn, Sở sẽ trực tiếp làm, sau đó hướng dẫn Phòng Tài chính và Phòng TN&MT huyện thực hiện.
Tháo “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ ra rằng, một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH trong thời gian tới là phải quyết liệt tháo gỡ “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng. “Phải tính toán bồi thường phù hợp, không ép dân, gây xung đột. Song, đã giải quyết thấu tình đạt lý mà người dân vẫn từ chối thì phải kiên quyết trong xử lý”, ông Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh đề cập đến công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công đường phía Tây tỉnh. Ông phải trực tiếp đến tận nhà, đối chiếu từng sổ đỏ để phân tích thiệt hơn. Trong 30 trường hợp, đến nay chỉ còn 4 hộ chưa hợp tác, phải tính đến phương án cưỡng chế.
Hay với trường hợp xây dựng cầu Huỳnh Đông (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng phải trực tiếp xuống chỉ đạo giải quyết đối với 2 hộ không chịu di dời. “Từ đó cho thấy các địa phương cũng cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa”, ông Dũng lưu ý.
Bài: NGUYỄN VĂN TRANG - Ảnh: VĂN LƯU