“Kẹt” vì quy định
Thông tư số 40/2011 của Bộ NN&PTNT quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi (CTTL), trong đó đối với hồ chứa có dung tích trữ từ 100 triệu m3 trở lên, đơn vị trực tiếp quản lý phải có ít nhất 3 kỹ sư thủy lợi, trong đó có ít nhất 1 người có thâm niên công tác từ 7 năm trở lên. Hồ chứa có dung tích trữ từ 50 triệu m3 đến dưới 100 triệu m3, đơn vị quản lý hồ đập phải có ít nhất 2 kỹ sư thủy lợi, trong đó có ít nhất 1 người có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên. Hồ chứa có dung tích trữ từ 10 triệu m3 đến dưới 50 triệu m3, đơn vị quản lý hồ đập phải có ít nhất 1 kỹ sư thủy lợi, 1 cao đẳng thủy lợi, trong đó có ít nhất 1 người có thâm niên công tác từ 3 năm trở lên... Nếu chiếu theo các quy định của Bộ NN&PTNT, tỉnh ta khó đáp ứng đủ các điều kiện. Hay nói cách khác, rất nhiều hồ thủy lợi ở tỉnh ta vận hành không đúng theo quy định.
Trong tổng số khoảng 1.000 người đang làm các việc quản lý, khai thác các CTTL, chỉ có khoảng 100 người có bằng trung cấp chuyên ngành Thủy lợi trở lên. Phần lớn số này đang làm việc tại Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định. Một số ít khác đang làm việc tại các xã, HTX; quản lý, vận hành các hồ chứa nước của tỉnh. Phần lớn cán bộ làm việc trong lĩnh vực thủy lợi ở cơ sở nói chung, quản lý vận hành các hồ thủy lợi nói riêng đều làm kiêm nhiệm, trái với ngành nghề đã được đào tạo. Vì lẽ đó, họ chỉ dừng lại ở mức tháo và dẫn nước tưới, ít ai thông hiểu về quy chế, quy phạm vận hành, bảo vệ, bảo dưỡng công trình. Cho nên việc các công trình chưa phát huy hiệu quả đến mức như mong muốn là dễ hiểu. Đáng chú ý là khi công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, do thiếu chuyên môn nên các cán bộ này thường không phát hiện sớm, không đề xuất sửa chữa kịp thời, nên công trình xuống cấp nhanh hơn bình thường cũng là… chuyện bình thường!
Với cơ chế, chính sách và thu nhập như hiện nay, các xã, HTX rất khó thu hút được cán bộ có đủ trình độ, năng lực chuyên môn về thủy lợi. Mặt khác, những người có bằng cấp chuyên ngành thủy lợi, năng lực chuyên môn tốt cũng không muốn làm việc ở nông thôn, tại các HTX. Vì vậy, để nâng cao năng lực trong công tác quản lý công trình thủy lợi ở cơ sở, có lẽ ngành NN&PTNT, UBND các huyện nên chủ động tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho những người tham gia công tác thủy lợi tại các địa phương.
MINH HẰNG