Ngân hàng thương mại Hướng về nông thôn: Nhìn từ điển hình HD Bank
Trong thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã mở rộng khu vực kinh doanh về khu vực nông thôn và xem đây là thị trường chiến lược để phát triển kinh doanh trong giai đoạn tới.
Xu hướng đưa ngân hàng bán lẻ về gần với khách hàng ở các huyện đồng bằng, vùng núi, biển đảo thể hiện rõ ở những ngân hàng như: Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và đặc biệt là Ngân hàng TMCP phát triển TP Hồ Chí Minh (HD Bank).
Khi các nông hộ sử dụng vốn vay hiệu quả, họ trở thành khách hàng tiềm năng của HD Bank.
- Trong ảnh: Nhiều người tỏ ra quan tâm đến các sản phẩm dành cho nông nghiệp - nông dân mà HD Bank giới thiệu tại phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn.
Để tiến tới việc thành lập phòng giao dịch (PGD) HD Bank Tây Sơn vào tháng 6.2018, nhân viên tư vấn, phát triển thị trường đã mất khoảng 6 tháng tiếp cận thị trường, tìm hiểu cuộc sống, nhu cầu của người dân với tín dụng. Theo ông Trần Vương Thịnh, Trưởng phòng PGD HD Bank Tây Sơn, qua tìm hiểu, HD Bank nhận thấy nhu cầu vay vốn phát triển nông nghiệp rất lớn, song kênh tiếp cận chưa nhiều, người dân gặp khó khăn trong việc tìm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó, HD Bank triển khai gói vay dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi; nhận thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (bà con quen gọi là sổ ruộng) với định mức vay 20 triệu đồng/1 sào ruộng, đất và cho vay theo nhu cầu, theo tài sản thế chấp của khách hàng. Trong khi nhiều tổ chức tín dụng khác cho vay tối đa 30 - 50 triệu đồng/khoản vay bất chấp nông hộ sở hữu bao nhiêu ruộng đất, rõ ràng điều kiện cho vay theo diện tích khiến nhiều nông hộ thấy… dễ thở hơn.
Điểm khác biệt của HD Bank trong gói vay cho lĩnh vực nông nghiệp là việc đưa các sản phẩm này tới từng nông hộ, tư vấn rõ ràng. “Khi các nông hộ sử dụng vốn vay từ HD Bank hiệu quả, họ trở thành khách hàng tiềm năng của chúng tôi. Thực tế cho thấy, rất nhiều người tăng dần khoản vay để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, gởi tiết kiệm hàng tháng… ngân hàng tăng thêm được dòng vốn”, ông Thịnh cho hay. Với HD Bank Tây Sơn, yếu tố thành công là đưa được vốn vay tới những nơi khó khăn như xã Vĩnh An, làng Cam (xã Tây Xuân). Đồng thời nhận định Tây Sơn là thị trường tiềm năng để phát triển du lịch, HD Bank chú trọng đến việc nghiên cứu, định hướng đưa ra dòng sản phẩm dành riêng cho việc vay vốn phát triển dịch vụ du lịch ở Tây Sơn và các địa phương lân cận.
Theo chị Lê Thị Kim Anh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước), với việc có thêm các tổ chức tín dụng thông qua kênh ủy thác của hội, đoàn thể địa phương, nhiều hộ trong thôn có thêm điều kiện để vay vốn, chọn lựa ngân hàng uy tín, tạo cơ sở để phát triển kinh tế. Từ năm 2018 đến nay, đã có gần 300 hộ dân ở Quảng Nghiệp được vay vốn từ PGD HD Bank An Nhơn.
“Cho vay với nhóm khách hàng ở vùng nông thôn, mỗi gói vay trị giá không cao, song lại đảm bảo độ an toàn, rủi ro thấp. Phần lớn, khách hàng là các hộ nông dân sản xuất với quy mô vừa phải, họ vay vốn để có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, đủ điều kiện họ trả cả gốc lẫn lãi, trả rất đúng hạn. Nếu biết khuyến khích, họ mạnh dạn tiếp cận gói vay lớn hơn, kinh tế phát triển hơn, lúc đó nhu cầu về gởi tiết kiệm lại tăng, góp phần tăng nguồn vốn cho ngân hàng”, Giám đốc chi nhánh HD Bank Bình Định Ngô Hải Hà, nhìn nhận.
Tùy theo chiến lược kinh doanh, mỗi ngân hàng thương mại lại nhắm đến những nhóm khách hàng khác nhau. Với MB, để tiếp cận thị trường nông thôn, các sản phẩm của MB trước tiên dành cho quân nhân, cựu quân nhân xuất ngũ ở các địa phương. Ông Hoàng Thanh Vĩnh, Giám đốc MB Bình Định, cho biết, hiện nay MB triển khai các gói sản phẩm gồm gói tiết kiệm cho quân nhân, gói vay tín chấp “3 không” cho khách hàng quân nhân, mở tài khoản thanh toán… Để mở rộng thị trường, dự kiến cuối năm 2019, MB mở thêm PGD ở tuyến huyện.
Các ngân hàng thương mại như Nam A Bank, Sacombank, Agribank… đều có những cách tiếp cận khác nhau để tìm kiếm thị phần, phát triển các sản phẩm phù hợp. Với việc hướng về nông thôn, tạo điều kiện cho người dân có thêm kênh vay vốn, các ngân hàng đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen - là đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh khi nhận định việc các ngân hàng thương mại mở rộng khu vực kinh doanh về khu vực nông thôn.
THU DỊU