Truyền thông về rủi ro do biến đổi khí hậu:
Góp phần giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng ven biển
Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH) đối với người dân ở vùng hạ lưu sông Hà Thanh, sông Côn, là vấn đề đang được các nhà khoa học, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nỗ lực nghiên cứu và triển khai thực hiện…
Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá phải đối diện với tác động của BĐKH. Trong đó, Bình Định là một trong những tỉnh, thành có nguy cơ cao phải chịu tác động của BĐKH, nhất là TP Quy Nhơn và các địa phương ven biển và châu thổ.
Cảnh báo những nguy cơ
Ông Đinh Văn Tiên- Phó Giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Văn phòng Điều phối về BĐKH (CCCO) Bình Định, cho biết: “Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tác động của BĐKH đối với sự chuyển đổi của thời tiết, khí hậu và tình hình mưa, bão, lũ lụt trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp. Trước năm 1975, số lượng các cơn bão ở Bình Định chỉ là 0,7 cơn bão/năm thì sau năm 1975 đã tăng lên khoảng 1,13 cơn bão/năm. Bên cạnh đó, nếu trước đây mùa mưa bão ở Bình Định thường bắt đầu từ tháng 9, tập trung chủ yếu vào tháng 10, tháng 11 và kết thúc vào tháng 12; thì những năm gần đây các cơn bão có xu hướng xuất hiện sớm hơn. Ngoài ra, những biến đổi về nhiệt độ, lượng mưa, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường… trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều thay đổi. Trong đó, điển hình rõ nhất là diễn biến hết sức bất thường của đợt mưa bão xảy ra trên địa bàn tỉnh vào tháng 11.2009, là đợt lũ lụt lớn nhất trong vòng 40 năm qua ở tỉnh ta, vùng ven sông Hà Thanh, sông Côn, đầm Thị Nại và ven biển của Tuy Phước, Quy Nhơn đã bị ngập nặng và chịu nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân mà cộng đồng dân cư ven sông Hà Thanh, sông Côn, đầm Thị Nại… bị thiệt hại nặng do bão lũ là do hệ thống thoát nước còn nhiều hạn chế, bất cập, trong khi công tác quy hoạch, xây dựng chưa thật hợp lý, ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Đồng thời, công tác thông tin, truyền tin cảnh báo lũ sớm còn nhiều khó khăn, bất cập…”.
Giải pháp giảm thiểu rủi ro
Trước những nguy cơ rủi ro thiên tai do tác động của BĐKH, thời gian qua, CCCO Bình Định phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước, như: ISET, Tổ chức phi chính phủ quốc tế CtC (Challenge to Change), Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách KHCN (NISPASS)... triển khai một số chương trình, dự án giảm thiểu rủi ro và thích ứng. Tiêu biểu trong số này là các chương trình, dự án: “Nghiên cứu mô hình truyền thông về rủi ro do BĐKH và thích ứng tại các cộng đồng ven biển và châu thổ”; “Giảm thiểu rủi ro ngập lụt cho người dân ở vùng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn”…
CCCO Bình Định đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, Ban chỉ huy (BCH) phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh, TP Quy Nhơn, một số xã, phường trên địa bàn thành phố và một số cơ quan truyền thông nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nói trên, góp phần giảm thiểu rủi ro đối với cộng đồng ven biển và châu thổ.
Cán bộ, chuyên gia của CCCO Bình Định đã phối hợp với các nhà khoa học của ISET, CtC, NISPASS... và chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã triển khai một số chương trình, hoạt động, như: Tiến hành đánh giá nhận thức của địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và thích nghi với BĐKH; trang bị kỹ năng truyền tin cảnh báo lũ sớm cho cán bộ cơ sở; xây dựng quy chế thông tin cảnh báo lũ sớm… Cán bộ của CCCO Bình Định và các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trực tiếp xuống tận địa bàn các xã, phường: Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước)… gặp gỡ, phỏng vấn đại diện của chính quyền địa phương và người dân về các vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và thích nghi với BĐKH.
CCCO Bình Định cùng các nhà nghiên cứu của ISET và CtC đã tổ chức một số hội nghị, hội thảo, tập huấn, nhằm trang bị kỹ năng truyền tin cảnh báo lũ sớm, giới thiệu một số nội dung cơ bản, tính ưu việt của hệ thống thông tin cảnh báo lũ sớm, hướng dẫn những kinh nghiệm, kỹ năng về công tác truyền tin cảnh báo lũ sớm… cho cán bộ cơ sở các xã, phường các địa phương nói trên.
Ông Đinh Văn Tiên cho biết: “Hiện CCCO Bình Định phối hợp với ISET, CtC và các sở ngành chức năng, BCH PCLB-TKCN tỉnh, TP Quy Nhơn, một số xã, phường của thành phố và vùng phụ cận ven sông Hà Thanh, sông Côn, đầm Thị Nại… đang xây dựng Quy chế thông tin cảnh báo lũ sớm đối với cộng đồng. Quy chế này gồm nhiều nội dung, trong đó có việc phân cấp thông tin cảnh báo lũ sớm; cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin; thông tin phản hồi về mưa lũ… nhằm góp phần giảm thiểu những rủi ro thiên tai trước tác động của BĐKH đối với cộng đồng ven biển và châu thổ tỉnh ta”.
VIẾT HIỀN