Lan tỏa tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”
Với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn các tổ chức thành viên Mặt trận và các hội, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Thông qua công tác tuyên truyền, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được các tổ chức, nhân dân tích cực hưởng ứng. Đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, các tổ chức thành viên, các cá nhân, đơn vị nhận giúp đỡ, hỗ trợ hơn 1.100 hộ nghèo, 850 hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, đã giúp đỡ gần 300 hộ nghèo thoát nghèo bền vững, hơn 400 hộ chính sách thoát được hoàn cảnh khó khăn.
Đa dạng cách hỗ trợ
Giai đoạn 2014 - 2019, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động hơn 54 tỷ đồng; thăm, tặng hàng trăm nghìn suất quà cho người nghèo, học sinh nghèo; xây dựng mới và sửa chữa 1.432 nhà đại đoàn kết cho người nghèo với tổng số tiền hơn 35,17 tỷ đồng. Số tiền vận động cho chương trình an sinh xã hội hơn 350 tỷ đồng. MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cũng kịp thời vận động các cơ quan, đơn vị, DN, nhà hảo tâm hưởng ứng ủng hộ Quỹ cứu trợ các cấp và thực hiện cứu trợ trực tiếp nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai với số tiền hơn 108,2 tỷ đồng và hàng trăm nghìn lượt quà.
Khối thi đua Mặt trận và các hội đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh bàn giao nhà đại đoàn kết cho ông Danh.
Giữa tháng 6 vừa qua, ông Trương Văn Danh (72 tuổi, ở thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) vui mừng đón nhà mới trong sự ủng hộ, động viên của Khối thi đua Mặt trận và các hội đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan thuộc khối đã ủng hộ 52,5 triệu đồng và nhiều phần quà, UBND xã Vĩnh Quang kêu gọi ủng hộ 2,5 triệu đồng để ông Danh xây mới lại ngôi nhà. Trong nỗi xúc động, ông Danh nói: “Tôi ở với đứa con khuyết tật. Hai cha con cũng chẳng làm lụng được gì nhiều nên dù nhà bị mối mọt ăn, cũ kỹ vẫn chưa sửa chữa được. Có được ngôi nhà này, tôi rất biết ơn sự quan tâm của các cơ quan”.
Từ sự kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên tiếp tục có nhiều mô hình, hoạt động hỗ trợ người nghèo. Các phương thức hỗ trợ người nghèo khá đa dạng: Hỗ trợ con giống, vật nuôi, phương tiện mưu sinh; hỗ trợ gạo, tiền đột xuất hoặc theo hình thức đỡ đầu hàng tháng; hỗ trợ học bổng, sách và đồ dùng học tập; hỗ trợ BHYT, khám bệnh miễn phí, phẫu thuật nhân đạo...
Phát huy tinh thần từ bi, bác ái
Bên cạnh các hội, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo cũng nhiệt tình tham gia, thể hiện tinh thần sống “tốt đời đẹp đạo”. Ban Từ thiện xã hội của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh kêu gọi, phối hợp với các tổ chức liên quan thực hiện cứu trợ thiên tai, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, đóng góp cho các bếp ăn tình thương, kết nối các chương trình phẫu thuật ý nghĩa. Riêng dịp lễ Phật Đản, Vu Lan và ngày Tết cổ truyền, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, ngày “Vì người nghèo”, Ban Từ thiện xã hội đã tặng quà và tiền mặt cho đồng bào nghèo, các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, người già, bệnh nhân tại các bệnh viện với số tiền trên 2 tỷ đồng. Hiện tại, nhiều cơ sở tự viện nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, cơ nhỡ do cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn gửi đến. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Niệm Phật đường Mỹ Hóa (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) nuôi dạy hơn 30 trẻ mồ côi.
Hưởng ứng lời kêu gọi “Đặc biệt quan tâm đến người nghèo” của Hội đồng Giám mục Việt Nam và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Bác ái của Giáo phận Quy Nhơn, các linh mục, nữ tu, bà con giáo dân trong tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo”, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cứu trợ các vùng bị thiên tai bão lũ trong 5 năm qua với số tiền trên 3 tỷ đồng và 50 tấn gạo; giúp xây được 30 căn nhà tình thương.
Cộng đoàn nữ tu Dòng Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ mở rộng mô hình “Đoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất” cho các gia đình bệnh nhân phong và bà con giáo dân ở Giáo xứ Quy Hòa. Hiện nay, số vốn trợ giúp lên đến 600 triệu đồng, tạo điều kiện cho 186 gia đình còn khó khăn về kinh tế ở KV 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn có thêm vốn làm ăn, buôn bán nhỏ và chăn nuôi. Cộng đoàn các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Quy Nhơn đã tổ chức nhiều khóa dạy cắt may miễn phí cho 250 nữ thanh niên là người dân tộc thiểu số.
NGUYỄN MUỘI