“Chim chuyền chọn nhánh mà chuyền…”
Càng gần đến ngày con gái lên xe hoa về nhà chồng, người mẹ lại càng bồn chồn, lo lắng. Dẫu biết nên để con tự quyết định hôn nhân, dẫu đã được con đả thông tư tưởng, song tấm lòng người mẹ vẫn không yên. “Chim chuyền chọn nhánh mà chuyền, làm dâu chọn chỗ cha mẹ hiền gởi thân”, sao cứng đầu cứng cổ thế con ơi!
Con gái độc nhất của bà nhất quyết lấy chồng vào nhà mà theo bà là “chốn hang hùm miệng sói”. Nào là nhà ấy có tới 4 cô chị em chồng, mà ông bà xưa đã đúc kết: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Anh em trai cũng đông không kém, lại có truyền thống sống chung một nhà hoặc cất nhà cạnh nhau, chị em dâu thế nào cũng xào xáo, nạnh hẹ. Nào là nhà ấy mấy đời theo nghề tiểu thương, dân buôn bán miệng lưỡi ngọt nhạt, mà bà còn nghe hàng xóm “đồn” là bà sui bên ấy nổi tiếng sắc sảo, đanh đá… Con gái bà về làm dâu út, nội chuyện chợ búa, cơm nước, dọn dẹp “hầu” bấy nhiêu con người cũng đủ lả người. Lại còn đồng lương công chức còm cõi của nó, vào chốn kinh doanh tiền ra tiền vô linh hoạt, thoải mái ấy, liệu họ có bóng gió bảo con bà bỏ công việc mà nó yêu thích để ở nhà tiện bề chăm con, cai quản cửa tiệm như mấy cô con dâu lớn không?...
Con gái bà, tuy nhà không khá giả gì song luôn được sống trong vòng tay chăm lo của gia đình. Tính tình thì thật thà, vô tư, chưa kể hơi đoảng nữa, từ nhỏ đến khi lấy chồng đã nấu nướng cho tròn bữa cơm đông người ăn lúc nào đâu. Nó như chiếc thuyền con mỏng manh, sắp phải bơi trên dòng sông rộng lớn, biết đâu là thác ghềnh, nó chèo chống sao cho đặng? Chàng rể có vẻ lành hiền, biết có chở che được cho vợ giữa đại gia đình… Bao suy diễn, lo âu cứ canh cánh trong lòng người mẹ chuẩn bị gả con gái lấy chồng. Phải chi nó nghe lời bà khuyên, thuận lòng những chỗ nghèo nghèo, hiền hiền, mô phạm như nhà bà…
Một năm, rồi 5, 10 năm nay, sự yên ấm, hạnh phúc của gia đình con, sự hòa hợp giữa cô con dâu út và đại gia đình chồng và sui gia gần gũi, vui vẻ như câu trả lời cho những lo âu của người mẹ năm nào. “Chốn hang hùm miệng sói” mà bà e ngại chỉ là sự tưởng tượng sinh ra từ nỗi lo âu thái quá của tấm lòng người mẹ quê với suy nghĩ có phần tiêu cực. Con chim chuyền mới rời tổ mẹ may mắn đậu được nhành cây vững hay con gái bà biết ăn ở, con trai họ vững vàng, gia đình chồng xem con cháu nhà người cũng quý như con cháu mình? Có lẽ nhiều điều hợp lại mà làm nên nếp nhà yên vui ấy.
Chiều nay sao thấy nhớ con, nhớ cháu ngoại quá đỗi, bà không gọi điện ngay như lệ thường, mà miên man nghĩ đến chuyện trước khi con gái về nhà chồng. Bà tự cười mình đã quá cổ hủ, phiến diện. Câu ca xưa cũng là một dạng chiêm nghiệm từ cuộc sống, một lời khuyên, một sự tham khảo, nhưng có lẽ, thái độ sống, cách ứng xử của mỗi người phụ nữ trong hoàn cảnh của mình mới là điều quan trọng tác động đến cuộc đời họ.
KHẢI THƯ