Phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng: Không thể chủ quan, lơ là
Trước tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng trong tỉnh đang ở mức cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), ngành Lâm nghiệp, chính quyền các địa phương, chủ rừng đã tăng cường triển khai các giải pháp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm An Lão phối hợp với lực lượng các xã tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Liên tiếp xảy ra cháy rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích 18,3 ha, trong đó có 4 vụ cháy rừng trồng thiệt hại gần 3 ha, các vụ còn lại là cháy thực bì dưới tán rừng, không gây thiệt hại đến rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Vào đêm 12.7 vừa qua, cháy rừng đã xảy ra tại khu vực núi Bà Hỏa đe dọa nhiều khu dân cư ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), dù được phát hiện và dập tắt kịp thời nhưng cũng đã gây thiệt hại hơn 1,56 ha rừng. Trước đó, liên tiếp nhiều vụ cháy rừng xảy ra tại núi Đá Tợ, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn), xã Cát Hải (huyện Phù Cát)… làm thiệt hại hàng chục ha rừng trồng.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chủ rừng trong BVR - PCCCR. Ðồng thời phối hợp ngành chức năng điều tra nguyên nhân các vụ cháy rừng, tùy theo tính chất, mức độ, diện tích thiệt hại của từng loại rừng mà xử lý theo luật định..”.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm
Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, mặc dù ngành Lâm nghiệp, chính quyền các địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng (BVR - PCCCR), nhưng cháy rừng vẫn còn xảy ra, bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải kể đến việc người dân chủ quan, xem nhẹ khâu xử lý thực bì, sử dụng lửa khi vào rừng; công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong phòng chống cháy rừng chưa thật sự hiệu quả. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chủ rừng trong BVR - PCCCR. Đồng thời phối hợp ngành chức năng điều tra nguyên nhân các vụ cháy rừng, tùy theo tính chất, mức độ, diện tích thiệt hại của từng loại rừng mà xử lý theo luật định. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra BVR - PCCCR, kịp thời thông tin cấp dự báo cháy rừng đến chủ rừng, người dân để phòng ngừa thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng...”, ông Dũng cho biết thêm.
Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại
Trước tình hình trên, nhiều chủ rừng đã chủ động triển khai các giải pháp để bảo vệ rừng trồng. Ông Hồ Đức Độ, một chủ rừng ở thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), bộc bạch: “Năm ngoái cũng vào thời điểm này, một chủ rừng sau khi khai thác rừng đã đốt xử lý thực bì gây cháy lan gần 3 ha rừng của gia đình tôi. Rút kinh nghiệm, năm nay, tôi chủ động thường xuyên lên rừng kiểm tra, bảo vệ rừng trồng của gia đình”.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh (huyện Vân Canh) được giao quản lý, bảo vệ hơn 25.400 ha rừng. Đơn vị phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện, chính quyền các địa phương tăng cường tuần tra BVR - PCCC. Ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh, cho biết: “Nhờ làm tốt công tác BVR - PCCCR nên mới đây tại diện tích rừng do đơn vị quản lý cũng xảy ra 1 vụ cháy, nhưng đã được phát hiện và dập tắt kịp thời; đám cháy chỉ ảnh hưởng đến thực bì, cây cỏ dại mà không ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ”.
Trong khi đó, An Lão là huyện miền núi có diện tích rừng tự nhiên lớn trong tỉnh với hơn 54.000 ha đất có rừng, trong đó có hơn 48.200 ha rừng tự nhiên, còn lại là diện tích rừng trồng. Chính quyền địa phương, ngành chức năng và các chủ rừng đã nỗ lực triển khai các biện pháp để BVR - PCCCR. Ông Đinh Văn Hòa, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, cho biết: “Đơn vị phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, chính quyền các địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVR - PCCCR cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức lực lượng túc trực chốt chặn tại 10 địa điểm trọng yếu, đồng thời tăng cường phối hợp tuần tra vùng rừng giáp ranh tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) nhằm thực hiện tốt hơn BVR - PCCCR”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN