Huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho lực lượng cơ sở: Nâng cao kỹ năng tác chiến
Với phương châm “4 tại chỗ”, lực lượng PCCC tại cơ sở sẽ trực tiếp triển khai chữa cháy hiệu quả ở giai đoạn ban đầu, hạn chế cháy lớn xảy ra. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về PCCC cho lực lượng cơ sở là yêu cầu cấp thiết.
Học viên tham gia khóa huấn luyện chữa cháy do Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CA tỉnh tổ chức.
- Trong ảnh: Học viên thực hành kỹ năng sử dụng bình chữa cháy để dập tắt ngọn lửa.
Phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Thực hiện kế hoạch tăng cường công tác PCCC, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng, khô hanh, từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), CA tỉnh và các Đội Cảnh sát PCCC huyện, thị xã đã tổ chức hơn 10 lớp huấn luyện, tuyên truyền nghiệp vụ PCCC cho lực lượng tại chỗ với hơn 4.000 đối tượng tham gia.
Mới đây, lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC tổ chức ngày 5 - 6.7 đã thu hút gần 400 học viên từ nhiều cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn TP Quy Nhơn tham gia. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng PCCC và CNCH, CA tỉnh đã trao đổi, hướng dẫn các học viên lý thuyết và thực hành nhiều nội dung: Các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC; kiến thức cơ bản về xử lý cháy, nổ; công tác PCCC đối với xăng, dầu, gas, điện; thực tập các động tác cơ bản trong chữa cháy như rải vòi, lắp đầu nối, các tư thế cầm lăng chữa cháy; hướng dẫn sử dụng máy bơm chữa cháy, dùng bình bột CC dập lửa trong khay xăng... Đặc biệt, các đội viên PCCC chuyên ngành và PCCC cơ sở còn được thực hành các đội hình chữa cháy, cách thoát hiểm, CNCH trong đám cháy. Các bài tập này sẽ giúp đội viên PCCC các công ty, xí nghiệp ứng dụng trong các trường hợp tự thoát thân hay cứu người trên cao.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chủ quán karaoke trên đường Hùng Vương, nhận xét: “Tham gia lớp tập huấn, tôi cảm thấy tự tin, vững vàng hơn về kỹ năng xử lý tình huống nếu có cháy xảy ra, nhất là kỹ năng dập tắt đám cháy ở giai đoạn đầu phát sinh”. Còn ông Đặng Duy Sơn, cán bộ Công ty TNHH MTV Nhật Nam Hưng, cũng cho biết sau khi được huấn luyện, đã thành thục hơn về cách xử lý dập tắt đám cháy lớn. “Tôi tâm đắc nhất là phần trực tiếp sử dụng các dụng cụ chữa cháy và thực hành các đội hình chữa cháy, CNCH. Từ các kiến thức, kỹ năng bổ ích tích lũy được qua khóa huấn luyện, tôi sẽ về truyền đạt cho đội ngũ PCCC cơ sở tại công ty nhằm tăng cường tính cơ động, chủ động, nâng cao khả năng ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống cháy nổ ngay khi vừa phát sinh”, ông Sơn chia sẻ.
Hiện nay, tình hình cháy, nổ ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nguy cơ cháy, nổ có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt trong các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Do vậy, công tác phòng ngừa cần đặc biệt chú trọng, trong đó công tác đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC chính quy và ở cơ sở vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CA tỉnh.
Để công tác huấn luyện PCCC ngày một hiệu quả, đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CA tỉnh, cho biết đơn vị thường xuyên cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật cũng như các kiến thức, kỹ năng mới về xử lý tình huống cháy, nổ phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, cơ sở. Bởi thực tế cho thấy, nếu không hiểu và nắm chắc kỹ thuật, đội hình chữa cháy, CNCH thì không thể áp dụng linh hoạt vào các tình huống chữa cháy, CNCH.
“Thời gian tới, các khóa huấn luyện PCCC cho lực lượng cơ sở sẽ được Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức. Qua các lớp huấn luyện sẽ giúp cho người dân có ý thức hơn về công tác PCCC và biết cách tự phòng ngừa, tự thoát nạn, tự dập tắt đám cháy ngay tại cơ sở. Đồng thời, giúp lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp và lực lượng PCCC cơ sở phát hiện, bổ sung những tình huống giả định phức tạp hơn vào các buổi diễn tập tiếp theo ở những địa bàn khác nhằm chủ động xử lý và phòng ngừa có hiệu quả các mối nguy cơ về cháy, nổ”, đại tá Nguyễn Văn Long chia sẻ.
TRỌNG LỢI