Hoạt động khuyến công: Tiếp tục nỗ lực vượt khó để phát triển
Thời gian qua, chương trình khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đây là động lực để hoạt động khuyến công tiếp tục vượt khó, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển.
Mô hình "Trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung-bê tông nhẹ AAC” triển khai tại Công ty CP gạch tuy nen Bình Định đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Theo ông Lê Huy Hoàng, Giám đốc Công ty CP gạch tuy nen Bình Định, nhờ Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh (Sở Công Thương), Công ty được tham gia mô hình “Trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung-bê tông nhẹ AAC”. Mô hình có quy mô công suất 50.000 m3 sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 71 tỷ đồng. Đây là dây chuyền sản xuất gạch AAC đầu tiên ở miền Trung - Tây Nguyên. Theo đó, so với gạch nung, sản phẩm gạch AAC có nhiều ưu điểm như: Kích thước lớn hơn, nhưng trọng lượng nhẹ hơn nên dễ vận chuyển rút gắn thời gian thi công khoảng 30%, độ chính xác cao, tiết kiệm vữa xây, giảm 20 - 30% giá thành tường hoàn thiện; đồng thời cách nhiệt, cách âm tốt, độ bền và khả năng chống cháy cao...
Còn theo ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh, mô hình của Công ty CP gạch tuy nen Bình Định chỉ là một trong số nhiều chương trình, đề án khuyến công triển khai gần đây. Mô hình này tạo điều kiện để nhà máy nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thêm 42 việc làm với thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng; đồng thời góp phần thực hiện chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 của Chính phủ...
Hiệu quả hoạt động KC&TVPTCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện công tác KC&TVPTCN của tỉnh đang đứng trước những khó khăn, thử thách. Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Năm 2019, cả 2 nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đều bị cắt giảm khá nhiều so với năm 2018. Cụ thể, năm nay, Bình Định chỉ có 1 đề án được Bộ Công Thương phê duyệt, với mức kinh phí hỗ trợ là 300 triệu đồng (năm 2018 là 4,5 tỷ đồng/3 chương trình, đề án); còn kinh phí dành cho chương trình khuyến công địa phương là 1,8 tỷ đồng (năm 2018 là 2,7 tỷ đồng)...
Trước những khó khăn trên, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp, như: Chủ động tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ thực hiện các đề án; tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích; củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác khuyến công nhằm nắm bắt tình hình tại địa phương, hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, cùng đơn vị hưởng lợi triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt đảm bảo đúng tiến độ và đạt hiệu quả.
VIẾT HIỀN