Một người yêu cồng chiêng ở làng Hà Văn Trên
Ông Nguyễn Sinh Cơ ở làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, ảnh) là người vừa có nhiều hiểu biết sâu sắc về văn hóa người Bana, vừa có kinh nghiệm trong việc trao truyền vốn hiểu biết của mình cho lớp trẻ. Nhờ tâm huyết của ông, thanh niên trong làng gần như ai cũng biết đánh cồng chiêng, múa xoang.
Là Bí thư chi bộ làng Hà Văn Trên, ông Cơ thường xuyên chủ động đề xuất, lồng ghép bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đi vào sinh hoạt hàng ngày, thành nếp sống trong cộng đồng dân cư. Những lúc xã mở đợt tập huấn múa xoang, cồng chiêng, không chỉ vận động thanh niên mà đích thân ông cũng tích cực tham gia đầy đủ. Bằng uy tín cá nhân, ông Cơ vận động nhiều nghệ nhân trong làng tham gia tập luyện, hướng dẫn cho lớp trẻ. Để thanh niên có cái luyện tập, trình diễn, chính ông vận động người dân góp công góp của mua sắm cồng chiêng mới.
“Có cồng chiêng là tốt, nhưng cồng chiêng phải cho tiếng chuẩn để ngay từ lúc mới làm quen với cồng chiêng, bọn trẻ đã được nghe cái đúng, cái trúng. Mình rất kỹ chuyện này, nhiều người già trong làng cũng tán thành nên khi hướng dẫn thanh niên, mình luyện cho chúng có cái tai tốt thật kỹ trước khi có cái tay thật dẻo. Bây giờ ở làng mình, lễ hội nào cũng có múa xoang đi đôi với cồng chiêng. Con trai đánh cồng chiêng thật hay, con gái múa xoang thật đẹp, người già ai cũng ưng cái bụng” - ông Cơ chia sẻ.
Hiện nay, tại nhiều lễ hội, liên hoan, khi trình tấu cồng chiêng, nhiều người trên mặc áo truyền thống nhưng bên dưới lại mặc quần tây, mang sandal. Nhận xét về hình ảnh này, ông Cơ tỏ ý không tán thành: “Tôi đã 61 tuổi rồi, tôi mong muốn, khi giữ gìn nét đẹp của tổ tiên, con cháu Bana phải gắng gìn giữ sao cho hài hòa, càng giống như ông bà mình thì càng hay. Trình diễn cồng chiêng là một cách nói chuyện với ông bà, với trời đất, áo quần lộn xộn như thế tôi không thích. Mỗi khi làng tôi biểu diễn, nếu tôi có ở đó, tôi thuyết phục các cháu phải khoác áo thổ cẩm, đóng khố, tay không đeo đồng hồ, chân trần không mang dép...”.
Nghe tôi hỏi về bộ cồng chiêng mới mà tỉnh vừa tặng, gương mặt ông Cơ sáng bừng: “Vận động mãi, làng mình mới sắm được một bộ, tỉnh tặng cho một bộ nữa, cả làng ai cũng vui. Có 2 bộ cồng chiêng, lớp trẻ được luyện tập, dân làng sinh hoạt nhiều hơn, làng mình có nhiều ngày vui hơn”.
THẢO KHUY