Giới chức Mỹ lo ngại đồng tiền số Libra tiềm ẩn nguy đe dọa an ninh quốc gia
Ngày 15.7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết giới chức nước này "đặc biệt quan ngại" đồng tiền số Libra mà Facebook chuẩn bị ra mắt có thể gây ra những nguy cơ an ninh quốc gia trong hệ thống tài chính Mỹ.
Biểu tượng đồng tiền số Libra. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngắn ở Nhà Trắng, Bộ trưởng Mnuchin cho rằng kể từ khi liên minh do Facebook đứng đầu tuyên bố kế hoạch phát triển đồng tiền số Libra, Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ ra những quan ngại rằng đồng tiền này có thể bị lợi dụng cho các hoạt động rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Ông nhấn mạnh các đồng tiền điện tử như Bitcoin đã bị lợi dụng để hỗ trợ hàng tỷ USD cho các hoạt động bất hợp pháp như tội phạm mạng, gian lận thuế, tống tiền, buôn bán ma túy, buôn người... đồng thời cho rằng tình trạng lạm dụng tiền số cần được xem xét như một vấn đề an ninh quốc gia.
Dù Bộ Tài chính Mỹ luôn khuyến khích "những sáng tạo có trách nhiệm" giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính nhưng mục tiêu tối thượng vẫn là duy trì sự thống nhất và bảo vệ hệ thống này trước các nguy cơ bị lợi dụng cho các mục đích phi pháp.
Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cũng tuyên bố luật pháp Mỹ không cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số hoạt động trong bóng tối và không dung thứ cho việc sử dụng tiền điện tử để hỗ trợ các hoạt động vi phạm pháp luật. Theo ông, các quy định quản lý các nhà cung cấp dịch vụ tiền tệ được áp dụng với tất cả các giao dịch tiền thật hay tiền điện tử và các nhà giao dịch tiền điện tử cũng sẽ bị thanh tra giống như mọi ngân hàng khác tại Mỹ. Cơ quan Giám sát tội phạm tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp những tiêu chuẩn cao nhất với các thực thể giao dịch Bitcoin, Libra hay bất kỳ loại tiền điện tử nào. Vì vậy, Facebook chắc chắn sẽ phải đáp ứng "một tiêu chuẩn rất cao" để có thể tham gia vào hệ thống tài chính Mỹ với đồng Libra.
Các quan chức tài chính Mỹ đã gặp đại diện của Facebook và đặt ra nhiều câu hỏi về biện pháp và cách thức đồng tiền Libra sẽ được bảo vệ trước các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng như để đảm bảo tuân thủ các quy định tài chính khác. Khi được hỏi về tuyên bố của Facebook rằng đồng tiền số Libra có thể giúp giảm chi phí giao dịch tài chính và là giải pháp thay thế cho những người không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống, Bộ trưởng Mnuchin cho rằng đó là mục đích tốt nhưng để đạt được những điều này, Facebook sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng vì tiền điện tử có thể giao dịch quốc tế nên Washington cũng đang hướng tới các quy tắc và giám sát tầm cỡ quốc tế để quản lý việc sử dụng các loại tiền này. Ông Mnuchin cũng cho biết sẽ đưa vấn đề này ra tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Chantilly (Pháp) trong tuần này.
Những phát biểu của người đứng đầu ngành tài chính Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc các cơ quan chức năng tăng cường giám sát các loại tiền điện tử cũng như các công ty có ý định lưu hành tiền điện tử.
Hồi tháng 6, Facebook tuyên bố phát hành đồng tiền số Libra với cam kết "ít biến động". Liên minh Libra bao gồm các tên tuổi lớn trong ngành thanh toán điện tử như PayPal, Visa và Mastercard, Uber. Facebook dự tính thu lợi nhuận từ Libra thông qua chi nhánh Calibra. Chi nhánh này sẽ phát triển một loại ví điện tử để dự trữ và trao đổi tiền điện tử. Giám đốc Calibra David Marcus sẽ ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ trong ngày 16.7.
Trong biên bản điều trần gửi tới Thượng viện, ông này cho biết quá trình từ khi công bố kế hoạch cho tới khi chính thức ra mắt đồng tiền số Libra là công khai, để các cơ quan chức năng có thể giám sát và đánh giá. Ông này khẳng định Facebook sẽ chỉ đưa tiền số Libra vào hoạt động khi đã giải đáp mọi khúc mắc của giới chức quản lý và được cấp phép phù hợp.
Theo Lê Ánh (TTXVN)