Người khuyết tật quan tâm chính sách BHXH, BHYT
Cuối tuần qua, Hội nghị tư vấn về chính sách BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp dành cho người khuyết tật 3 tỉnh Bình Ðịnh, Gia Lai, Phú Yên đã được Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức. Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến, câu hỏi, qua đó phản ánh nhu cầu thông tin về chính sách này của người khuyết tật.
Đại diện BHXH tỉnh, Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam chủ trì hoạt động trao đổi, tư vấn chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với người khuyết tật 3 tỉnh: Bình Định, Gia Lai, Phú Yên.
Bà Nguyễn Thị Mai (53 tuổi, Chi hội người khuyết tật Sức sống, TP Quy Nhơn) thắc mắc: “Tôi đi xét nghiệm định lượng vi rút viêm gan B tại một phòng khám tư nhân ở Quy Nhơn có thông tuyến BHYT. Nhưng phòng khám lại nói: BHYT không chi trả cho xét nghiệm này. Tôi lại nghe nói là xét nghiệm viêm gan B nằm trong danh mục được quỹ BHYT thanh toán. Vậy, phòng khám có làm đúng quy định không?”.
Cũng liên quan đến BHYT, chị Phan Thị Đăng Minh (30 tuổi, Chi hội người khuyết tật Nguyễn Nga, TP Quy Nhơn) góp thêm: Nhiều người khuyết tật đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, mua thuốc theo đơn của bác sĩ rồi mới biết một số loại thuộc danh mục BHYT chi trả nhưng vẫn phải bỏ tiền mua. Không phải người khuyết tật nào cũng đủ điều kiện để tự tìm hiểu về các kỹ thuật, các loại thuốc được BHYT chi trả. Có cách nào để các danh mục này được công khai, dễ tiếp cận hơn với người khám chữa bệnh nói chung và người khuyết tật nói riêng?
Vì lý do sức khỏe, định kiến trong tuyển dụng, hầu hết người khuyết tật làm những công việc giản đơn, thu nhập thấp, việc làm thời vụ hoặc làm việc tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình. Rất ít người khuyết tật tham gia BHXH bắt buộc. Chính vì vậy, khi nghe đến BHXH tự nguyện - chỗ dựa khi thai sản, bệnh nghề nghiệp, khi về già - người khuyết tật đặc biệt quan tâm. Chị Nguyễn Thị Hương (42 tuổi, ở tỉnh Gia Lai) bày tỏ: “Tích lũy bây giờ để lo cho tuổi già là việc rất cần thiết. Tôi chưa nghe đến chính sách BHXH tự nguyện trước đây. Lần này, tôi đặt nhiều câu hỏi, lắng nghe về BHXH tự nguyện để suy ngẫm, tính toán cho chính mình, chia sẻ thông tin với người thân, bạn bè...”.
Người khuyết tật TP Quy Nhơn đặt câu hỏi về chính sách BHXH, BHYT.
Đại diện BHXH tỉnh đã lý giải các thắc mắc; ghi nhận những phản hồi, các đề xuất của người khuyết tật xung quanh chính sách BHYT, BHXH. Ông Đặng Văn Lý, Trưởng Phòng Quản lý thu BHXH tỉnh, nhận định: “Tôi đã đi tuyên truyền tại nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Điểm khác biệt ở hội nghị này là số lượng câu hỏi lớn, nội dung hỏi phong phú. Nó chứng tỏ nhu cầu thông tin về chính sách BHXH, BHYT của người khuyết tật rất lớn”.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, chia sẻ: “Tôi rất mừng vì người khuyết tật của 3 tỉnh đã thể hiện sự nghiêm túc trong từng câu hỏi, từng vấn đề nhỏ nhất. Nhiều người hỏi một lần, sau khi được giải đáp tiếp tục giơ tay xin trao đổi thêm nhiều lần cho đến khi thật sự rõ vấn đề. Hội nghị trao đổi như thế này là một phương thức tuyên truyền nhanh, hiệu quả đối với người khuyết tật. Mong rằng BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh tiếp tục có những buổi trao đổi về chính sách BHXH, HBYT, bảo hiểm thất nghiệp dành cho người khuyết tật tại địa phương”.
NGUYỄN MUỘI