Ứng phó dịch tả heo châu Phi: Chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống; giám sát việc thực hiện cam kết không cung cấp thức ăn thừa cho các hộ chăn nuôi... là những hoạt động được ngành Y tế tỉnh chú trọng đẩy mạnh nhằm phòng, chống dịch tả heo châu Phi.
Tính đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 60 tỉnh, thành trên cả nước. Tại Bình Định, dịch tả heo châu Phi diễn biến ngày càng phức tạp khi ổ dịch đã xuất hiện trên đàn heo của người dân tại 9/11 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện An Lão và Vĩnh Thạnh).
Kiểm tra việc cam kết xử lý thức ăn thừa tại một bếp ăn của DN tại huyện Hoài Ân.
Cam kết không cung cấp thức ăn thừa cho người nuôi heo
Xuyên suốt trong tháng 7 và 8, hoạt động giám sát việc thực hiện cam kết không cung cấp thức ăn thừa cho các hộ chăn nuôi sử dụng làm thức ăn cho heo được ngành Y tế và các địa phương chú trọng. Đặc biệt, tập trung giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể quy mô lớn trong sử dụng thịt và sản phẩm thịt heo.
Theo bà Đinh Thị Lụa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Đồng (TP Quy Nhơn), hiện bếp ăn nhà trường đang phục vụ khoảng 200 suất ăn/ngày cho trẻ học bán trú. Nhà trường chỉ nhập thịt heo từ các cơ sở có đầy đủ chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ sở thú y. Bà Lụa cho biết: “Thông tin về dịch tả heo được ngành Giáo dục và Y tế cập nhật thường xuyên nên ngay từ tháng 3 - khi dịch rộ lên, chúng tôi đã dừng cung cấp thức ăn thừa cho hộ chăn nuôi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi heo. Thức ăn thừa được xử lý bằng cách lắng hết nước, rắc vôi bột lên phần thức ăn còn lại để thành rác thải bình thường”.
Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Tiến Dũng cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, thành phố đã nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn cho hoặc bán thức ăn thừa làm thức ăn chăn nuôi heo, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Tất cả các cơ sở đều phải thực hiện cam kết chấp hành xử lý thức ăn thừa, áp dụng các biện pháp tiêu hủy hợp vệ sinh. Kiểm tra, giám sát hoạt động này tại các cơ sở không chỉ có ngành Y tế thành phố mà còn có cả chính quyền địa phương.
Hoạt động ngay tại “điểm nóng” dịch tả heo châu Phi, bà Giả Thị Thu Huệ - Phó Giám đốc Công ty CP May Hoài Ân thông tin, DN không loại bỏ thịt heo ra khỏi thực đơn ăn trưa của công nhân, nhưng nghiêm ngặt hơn trong kiểm soát nguồn thịt nhập bếp để cung cấp 182 suất ăn/ngày cho công nhân. Cơ sở cam kết xử lý triệt để thức ăn thừa bằng vôi bột, chấm dứt hẳn việc cho thức ăn thừa cho các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn. Trong khi đó, Trưởng Phòng Y tế huyện Hoài Ân Bùi Thị Mỹ Hòa thông tin, đến nay 147 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện đã ký cam kết xử lý thức ăn thừa đúng quy định, hợp vệ sinh, không cung cấp cho các hộ chăn nuôi làm thức ăn cho gia súc.
Theo ông Lê Văn An, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, 358 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể phục vụ trên 200 suất ăn/ngày trở lên do Chi cục quản lý đã được thông tin đầy đủ về việc cam kết không sử dụng thức ăn thừa cho heo. “Việc người chăn nuôi đi gom thức ăn dư thừa, nếu tiếp xúc với thịt heo bệnh, hay dụng cụ thu gom, xe vận chuyển... không được khử trùng cũng là nguyên nhân tiềm ẩn lây nhiễm bệnh”, ông An cho hay.
Trường Mầm non Kim Đồng (TP Quy Nhơn) chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ học bán trú. Cơ sở cũng chấp hành quy định xử lý thức ăn thừa, không cung cấp cho người nuôi heo.
Ứng xử đúng với dịch tả heo châu Phi
Cùng với giám sát xử lý thức ăn thừa, đến nay, ngành Y tế và các địa phương cũng đã tích cực vào cuộc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể.
Từ đầu tháng 7 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra 23 cơ sở kinh doanh và bếp ăn tập thể quy mô lớn như nhà hàng, khách sạn, căn tin trường học, bệnh viện... Hoạt động này sẽ tiếp tục từ nay đến tháng 8. Trong khi đó, hoạt động kiểm soát, hướng dẫn cũng được triển khai mạnh tại các địa phương. Đoàn kiểm tra chuyên ngành huyện Tây Sơn đã kiểm tra, hướng dẫn 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Còn TP Quy Nhơn lồng ghép trong đợt kiểm tra phục vụ mùa cao điểm du lịch, phòng, chống ngộ độc thực phẩm kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 7 tại 21 xã, phường. Riêng huyện Hoài Ân, việc kiểm soát được các xã, thị trấn chú trọng đặc biệt với dịch vụ nấu ăn lưu động...
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định: “Dịch tả heo có tác nhân gây bệnh là vi-rút, khác hoàn toàn với ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Bệnh tả heo châu Phi không lây sang người, kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, vấn đề cực kỳ quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng, đầy đủ về dịch bệnh, cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn nguồn hàng chứ không hoang mang, “quay lưng” với thịt heo”.
MAI HOÀNG