Khai thác âm nhạc dân gian Bình Ðịnh: Chờ thêm người “mở lối”
Kho tàng âm nhạc dân gian Bình Ðịnh phong phú, đặc sắc nhưng đến nay chưa được nhiều nhạc sĩ khai thác để góp phần bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện đại. Ðiều này có phần nguyên nhân là còn thiếu những người “mở lối” trong tìm tòi sáng tác ở mảng này.
Trong tọa đàm “Sáng tác âm nhạc trong tình hình mới” được Hội VHNT tỉnh tổ chức, có nêu vấn đề về vận dụng chất liệu dân gian trong sáng tác ca khúc.
Tại buổi tọa đàm “Sáng tác âm nhạc trong tình hình mới” được Hội VHNT tỉnh tổ chức cách đây 3 tuần, nhạc sĩ Vũ Thành, Chi hội trưởng Chi hội âm nhạc Bình Định, đã nêu thực trạng nhiều nhạc sĩ “bỏ quên” chất liệu âm nhạc dân gian đặc sắc trong sáng tác ca khúc hiện nay. “Để hoạt động sáng tác âm nhạc Bình Định thời gian tới có nhiều tác phẩm hay, khai thác được chất liệu âm nhạc dân gian, thì nhạc sĩ trong tỉnh cần chú trọng vận dụng những điệu thức dân ca vùng, miền, những câu ca dao, tục ngữ và linh hoạt sáng tạo theo phong cách riêng của mình, đưa vào ca khúc mới. Cần trao đổi, học hỏi kinh nghiệm các nhạc sĩ đã có những tác phẩm thành công, bên cạnh đó phải đi thực tế sáng tác, tìm hiểu nhiều hơn âm nhạc dân gian gắn với những vẻ đẹp đất nước và con người Bình Định”, nhạc sĩ Vũ Thành nêu ý kiến.
Từ tháng 5.2019, UBND tỉnh đã phát động cuộc thi Sáng tác ca khúc về Bình Định (thời gian nhận tác phẩm từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12.2019) có nội dung ca ngợi truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương, đất nước và con người Bình Định. Ban tổ chức cuộc thi khuyến khích các tác phẩm mang đặc trưng âm hưởng dân ca Bình Định. Để có thể bám sát theo định hướng này, người sáng tác phải nỗ lực nhiều hơn.
Thường trong kế thừa và phát triển vốn quý của cha ông, có thể khai thác sử dụng chất liệu dân ca để tạo nên tác phẩm mới, hoặc là đặt lời mới cho dân ca theo kiểu “bình cũ rượu mới”. Nghệ nhân Lý Thành Long (huyện Hoài Nhơn), người có nhiều sáng tác dân ca, bài chòi được người nghe đón nhận, chia sẻ kinh nghiệm: “Khi sáng tác lời mới cho dân ca, bài chòi, tôi đặc biệt chú trọng ca từ phải khớp với giai điệu, tiết tấu của làn điệu và làn điệu phải phù hợp với nội dung cảm xúc của ca từ. Điều này là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả thẩm mỹ. Một sáng tác đưa ra mà người biểu diễn dễ hô, dễ hát và truyền được cảm xúc đến người thưởng thức thì phần lớn là từ mối quan hệ này. Trong sáng tác, tôi thường sử dụng hai nguồn làn điệu dân ca cổ và dân ca mới...”.
Âm nhạc truyền thống của các dân tộc Bana, H’re, Chăm H’roi trên địa bàn tỉnh dù phong phú, đặc sắc, nhưng thời gian qua vẫn chưa được “khai phá” nhiều. Nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) là người cất công sưu tầm, tìm hiểu về những làn điệu dân ca của người Bana ở địa phương để khai thác, đưa vào một số sáng tác thành công. Anh trăn trở: “Tôi có nhiều dịp thưởng thức các tiết mục biểu diễn âm nhạc dân gian của đồng bào Bana ở Tây Nguyên, thấy không chỉ tương đồng mà còn sinh động, hấp dẫn hơn ở Bình Định. Tuy chưa tìm hiểu kỹ, nhưng tôi tin rằng các tiết mục này của họ có sự tuyển chọn, đầu tư, chắt lọc những nét đặc sắc để tạo nên những tác phẩm âm nhạc lôi cuốn khi trình diễn. Tức là trong khai thác, bảo tồn âm nhạc dân gian, họ biết cách phát huy, tinh chọn và đưa vốn quý lên một tầm cao mới. Có lẽ chúng ta cũng nên như vậy khi bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc của đồng bào Bana, H’re, Chăm H’roi ở tỉnh mình”.
Bảo tồn không có nghĩa là cứ khư khư với cái cũ. Thiết nghĩ, cần có sự phối hợp giữa các nghệ nhân và các nhạc sĩ được đào tạo bài bản, cùng “mở lối” khai thác kho tàng âm nhạc dân gian của người Bana, H’re, Chăm H’roi một cách phù hợp, hiệu quả trong tình hình ngày càng mai một hiện nay. Nghệ nhân ưu tú Đinh Y Băng bộc bạch: “Muốn sáng tác theo đúng âm nhạc truyền thống của người Bana thì không chỉ am hiểu nhiều loại nhạc cụ, biết nhiều bài dân ca, mà còn phải gần gũi với đời sống lao động, sinh hoạt, văn hóa tinh thần của người dân ở các làng. Ở huyện Vĩnh Thạnh hiện chỉ còn vài nghệ nhân có khả năng sáng tác nhưng đều đã cao tuổi, chúng tôi mong muốn có thêm các nhạc sĩ cùng tham gia tìm hiểu, hỗ trợ trong việc bảo tồn những nét đặc sắc trong kho tàng âm nhạc dân gian của dân tộc mình...”.
HOÀI THU