Vân Canh: Đồng bào dân tộc thiểu số thi đua lao động sản xuất
Mấy năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vân Canh khá lên nhanh chóng, bà con phấn khởi thi đua lao động sản xuất, giảm dần hiện tượng ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Đồng bào Bana ở huyện Vân Canh thường giúp nhau công lao động để xuống giống, chăm sóc cây trồng.
Trong phong trào thi đua sản xuất ấy, gia đình anh Đinh Văn Dũng, dân tộc Bana, ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận là một điển hình. Anh Dũng đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng KHKT vào nuôi bò lai, trồng mì cao sản, trồng keo và một số loại cây khác, đồng thời mở hàng tạp hóa phục vụ bà con trong làng. Nhờ sản xuất kinh doanh đa dạng như vậy nên thu nhập ổn định của gia đình anh mỗi năm xấp xỉ 200 triệu đồng. Tương tự, ông Đinh Văn Chiều, dân tộc Chăm, ở khu phố Canh Tân, thị trấn Vân Canh đã biết khai thác tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai vùng đồi, vùng rừng, tích cực áp dụng KHKT, đưa cây con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Hiện gia đình ông canh tác hơn 4 ha đất theo mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi, trong đó có 1,5 ha chuối, 2 ha keo, hơn 1 ha mì và kết hợp nuôi heo, gà, cho thu nhập ổn định mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.
Điểm đáng mừng là những điển hình như anh Dũng, ông Chiều không hề “giấu nghề” mà ngược lại, họ sẵn sàng giúp đỡ người khác cùng khá lên như mình. Thậm chí nhiều người còn truyền được niềm hăng say lao động, sản xuất cho những người xung quanh.
Chị Lê Thị Việt, ở khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, cho biết: Bây giờ bà con trong làng rất giỏi vần công đổi công cho nhau từ chăm sóc, xuống giống đến thu hoạch. Ví dụ một đám mì lớn như vậy, để trồng cho kịp thời vụ, bà con xúm lại cùng nhau trồng, hết nhà này đến nhà khác. Cây trồng như vậy phát triển đều, tình làng lại thêm khắng khít. Đến khi thu hoạch lại cùng nhau thu.
Ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vân Canh, nhận xét: Nói về nét nổi bật trong phong trào thi đua lao động sản xuất ở đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vân Canh thì đó phải là việc đồng bào đã thay đổi về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất tự cung, tự cấp sang thâm canh tăng vụ và sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là tích cực áp dụng KHKT, đưa cây con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tạo ra giá trị cao trong sản phẩm hàng hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế nông thôn miền núi.
HẠNH PHÚC