Ðề xuất cấm khai thác phễnh bằng máy nổ
Cuối tháng 6 vừa qua, Sở NN&PTNT đã xây dựng dự thảo về quyết định, quy định “Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, nghề bơm hút thủy sản, nghề cào nghêu có sử dụng thuyền gắn máy, nghề xiếc máy, nghề lưới kéo, nghề lưới quét và ngư cụ gọng xiếc được đưa vào danh mục cấm. Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Sở đã trình dự thảo này để UBND tỉnh xem xét, đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến chấp thuận nội dung bổ sung này theo quy định. Do đó, hoạt động khai thác phễnh bằng máy nổ sẽ bị xử lý kiên quyết trong thời gian tới”.
Người dân sử dụng máy nổ để khai thác phễnh trong đầm Thị Nại đoạn qua xã Phước Sơn.
Trước đó, Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện kiến nghị Sở NN&PTNT phối hợp với đơn vị chức năng về địa phương khảo sát và đề xuất bổ sung hoạt động khai thác phễnh bằng máy nổ vào quy định cấm của UBND tỉnh nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm Thị Nại.
Từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, phễnh xuất hiện nhiều trên các bãi bồi trong đầm Thị Nại, đặc biệt khu vực thuộc 3 xã Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thuận (huyện Tuy Phước). Người dân thay vì sử dụng xẻng để đào bắt phễnh theo cách truyền thống, thì nay lại dùng máy nổ để khai thác theo kiểu hủy hoại môi sinh. Với cách khai thác này, một ghe có thể bắt hơn 80 kg phễnh/ngày, bán với giá 12.000 đồng/kg.
Ngày 14.7, có mặt trên đầm Thị Nại, chúng tôi ghi nhận cả một vùng đầm rộng lớn đoạn qua thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn trở nên náo nhiệt bởi nhiều người, sõng gắn máy nổ khai thác phễnh đang hoạt động. Để dễ dàng khai thác, nhiều người trang bị những loại máy nổ có công suất khoảng 20CV, đấu nối với hệ thống ống hút lắp trên sõng hoặc ghe. Khi máy nổ, đầu ống hút này được nối với thiết bị di chuyển dưới đáy đầm, bơm nước và bùn đất trực tiếp qua lưới lọc. Bằng cách khai thác này, bùn, cát thì lọt qua lưới, còn lại phễnh, don, dắc, nghêu, sò lông, sìa, ốc, vẹm… mắc kẹt lại. Hậu quả, không chỉ các loài nhuyễn thể bị bắt sạch mà các loài thủy hải sản khác cũng chung số phận.
Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Việc sử dụng máy nổ để bơm bắt phễnh sẽ phá vỡ kết cấu nền đáy tại mỗi khu vực khai thác. Đồng thời, khiến môi trường trú ngụ và sinh sản của các loài thủy sinh bị xáo trộn, ảnh hưởng đến dòng chảy, ô nhiễm môi trường mặt đầm và làm suy kiệt nguồn lợi sinh thái.
Sở NN&PTNT cũng đã cử lực lượng thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản tăng cường tuần tra, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi khai thác thủy hải sản trong đầm Thị Nại theo kiểu tận diệt, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc vận động, tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm túc Luật Thủy sản.
TRỌNG LỢI