Các nhà máy điện mặt trời vận hành thương mại: Thêm nguồn cấp điện cho lưới điện quốc gia
Ðến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh ta có 2 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành thương mại gồm Nhà máy điện Cát Hiệp và Nhà máy điện Fujiwara. Ðây là nguồn năng lượng tái tạo lớn, kịp thời bổ sung và làm phong phú thêm nguồn cung cho lưới điện quốc gia.
Bổ sung nguồn điện kịp thời
Sau 8 tháng nỗ lực thi công, cánh đồng điện mặt trời đồ sộ đã mọc trên vùng cát trắng khô cằn thuộc xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát. Ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, cho biết: Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp do 2 cổ đông chính là Công ty Quadran International (Pháp) và Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đầu tư, với tổng vốn hơn 1.030 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 60 ha. Nhà máy có công suất 49,5 MWp, với tổ hợp 150 nghìn tấm pin mặt trời và đường dây truyền tải điện 110 kV mạch kép đấu nối về trạm biến áp 110 kV Phù Cát, dài 5,5 km. Nhà máy đi vào vận hành thương mại, hàng năm cung cấp lên lưới điện quốc gia bình quân khoảng 78 triệu kWh.
Toàn cảnh Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp.
Theo ông Kiên, sau khi UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, liên doanh nhà đầu tư đã tích cực triển khai dự án, với tinh thần tập trung cao độ để thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình. Đến ngày 20.5, Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp đã đóng điện để vận hành thử nghiệm và đấu nối vào lưới điện quốc gia. Đến nay, sau gần 2 tháng vận hành thương mại, nhà máy đã sản xuất được 7,6 triệu kWh hòa vào lưới điện quốc gia, đạt doanh thu hơn 15 tỷ đồng.
Một góc Nhà máy điện mặt trời Fujiwara.
Trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội, Dự án Nhà máy điện mặt trời Fujiwara (100% vốn đầu tư Nhật Bản) xây dựng trên khu vực sườn phía Tây núi Phương Mai, công suất 49,5 MWp, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng cũng đã hoàn thành, đấu nối thành công vào lưới điện quốc gia trong tháng 6.2019. Hiện, nhà máy mỗi ngày phát lên lưới điện quốc gia qua trạm biến áp 110 kV Nhơn Hội với sản lượng điện đạt 273 nghìn kWh, tạo nguồn cung cấp điện ổn định cho sản xuất, sinh hoạt, nhất là trong thời điểm nắng kéo dài, nhiều nhà máy thủy điện không còn khả năng phát điện lên lưới như hiện nay.
* Theo ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp và Nhà máy điện Fujiwara khi đi vào vận hành thương mại sẽ tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn cho tỉnh. Theo tính toán, với công suất phát điện gần 100 MWp, mỗi năm 2 nhà máy trên sẽ tạo ra sản lượng điện khoảng 130 triệu kWh, giảm thải khoảng 105 tấn khí CO2, tạo ra doanh thu khoảng 500 tỷ đồng.
* Theo chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp và Nhà máy điện mặt trời Fujiwara, với công suất phát điện 100 MWp, trước mắt mỗi năm các nhà máy này sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 60 tỷ đồng.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Bình Định có tiềm năng, lợi thế là một trong những vùng có cường độ bức xạ nắng tương đối tốt so với các địa phương khác trong cả nước; có hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải hoàn chỉnh, đảm bảo và thuận lợi để đấu nối các nhà máy điện mặt trời. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án điện mặt trời, điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, với tổng công suất là 529,5 MWp. Việc 2 nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp và Fujiwara cùng lúc đưa vào khai thác, vận hành trong thời gian cao điểm nắng nóng hiện nay mở ra giai đoạn mới trong phát triển năng lượng sạch, công nghệ cao, mang lại hiệu quả KT-XH cho địa phương, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.
Ghi nhận nỗ lực của nhà đầu tư
Ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết: Từ nhiều tháng nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu điện của cả tỉnh không ngừng tăng cao và liên tục xác lập những kỷ lục mới. Điều này khiến cho việc cấp điện từ lưới điện quốc gia ngày càng khó khăn do hầu hết các nhà máy thủy điện đang rơi vào tình trạng khô kiệt nguồn nước. Việc nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp và nhà máy Fujiwara công suất gần 100 MWp đi vào vận hành, phát lên lưới điện hơn 500 nghìn kWh/ngày đã kịp thời bổ sung nguồn điện vào lưới điện quốc gia, có ý nghĩa rất lớn trong việc phục vụ điện cho phát triển KT-XH và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân.
Đánh giá cao sự nỗ lực của nhà đầu tư và các nhà thầu trong việc huy động vốn, tổ chức thi công, vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo an toàn, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, ghi nhận: Tỉnh Bình Định hoan nghênh nỗ lực phối hợp của ngành Điện với các đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra, thử nghiệm, nghiệm thu, đấu nối vào lưới điện quốc gia…, để nhà máy đi vào vận hành đúng tiến độ. Tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án mới cũng như tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng công suất các nhà máy hiện có.
Chủ tịch Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị nhà đầu tư quan tâm sử dụng tối đa và hợp lý lao động tại địa phương; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; tích cực chủ động phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Yêu cầu Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành phát điện của các nhà máy.
NGUYỄN HÂN