Khuyến khích nông dân đăng ký nhãn hiệu nông sản: Làm càng sớm càng tốt
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) từ năm 2018 đến tháng 3.2019, số lượng nông sản của Bình Ðịnh đăng ký nhãn hiệu độc quyền xếp ở tốp dưới trung bình so với cả nước. Theo Hội Nông dân tỉnh, vị trí ấy chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Đăng ký nhãn hiệu nông sản là thủ tục nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ của người nông dân với nhãn hiệu. Đây là cơ sở pháp lý giúp tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm và ngăn chặn tình trạng sử dụng, sao chép hoặc làm nhái nhãn hiệu để trục lợi.
Các chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) hy vọng nhãn hiệu tập thể giúp sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường trong và ngoài nước, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể rượu Vĩnh Cửu (2.2016), nghề nấu rượu ở Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh không ngừng lớn mạnh; từ 27 cơ sở đăng ký ban đầu, đến nay đã tăng lên 43 cơ sở. Trong đó, cơ sở của gia đình anh Trần Kim Hùng, với truyền thống hơn 20 năm trong nghề, hiện là một trong những nơi nấu rượu nhiều nhất. Gặp tháng có thời tiết thuận lợi, gia đình anh nấu và tiêu thụ hết từ 500 - 600 lít rượu.
Anh Hùng cho biết: “Rượu Vĩnh Cửu nấu từ gạo tẻ và men do bà con địa phương sản xuất có vị ngọt thanh, uống nhiều không bị nhức đầu, được người dùng ưa chuộng. Từ khi có nhãn hiệu tập thể, rượu tiêu thụ mạnh, được nhiều người biết đến hơn!”.
Lợi ích việc sở hữu nhãn hiệu rất rõ ràng nhưng đến nay, nhiều nông dân ở tỉnh ta vẫn chưa mặn mà. Thống kê của Sở KH&CN cho thấy, hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 30 nhãn hiệu nông sản đăng ký bảo hộ độc quyền. Trong số này chủ yếu là nhãn hiệu tập thể, hầu như không có nhãn hiệu cá nhân. Đáng tiếc là ở một số địa phương hoàn toàn không có nông dân nào đăng ký nhãn hiệu cá nhân dù sản xuất đã lâu năm.
Theo ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, 4 yếu tố hạn chế khiến nảy sinh hiện tượng này gồm: Nhận thức, kinh phí, thủ tục và phương pháp tiến hành. Trong đó, ông Chế cho rằng, nhận thức là rào cản lớn nhất bởi người dân còn nặng tư tưởng tiểu nông, muốn làm theo ý mình nên việc vận động họ thay đổi để tuân thủ theo một quy trình sản xuất chung là điều không hề dễ dàng. Ở một số người lại cho rằng, đây là “việc của Nhà nước”; ngại làm thủ tục, kê khai những thành phần trong sản phẩm mà có khi bản thân họ không biết hết.
Nhằm khuyến khích người dân tích cực đăng ký nhãn hiệu, ông Đỗ Thiện Chế cho biết, thời gian tới, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN tích cực tuyên truyền và hướng dẫn những cá nhân, tập thể có nhu cầu. Về phần mình, Sở KH&CN đang xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có gắn với chỉ dẫn địa danh và sản phẩm nông sản. “Quan trọng nhất là người nông dân thấy rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, thực hiện đăng ký nhãn hiệu sớm chừng nào tốt chừng đó”, Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Đình Chương trao đổi.
Sáng 13.7, có mặt tại Nhà Văn hóa xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) dự Lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu An Nhơn - Bình Định”, chứng kiến niềm vui và hy vọng tràn trề của 22 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh được phép sử dụng nhãn hiệu này trong bối cảnh thị trường của sản phẩm đang “chết đứng” do phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Ông Bùi Tú Vinh, người có hai con trai đang sở hữu hai cơ sở sản xuất lớn ở thôn Vân Sơn chia sẻ: “Chúng tôi đang hy vọng nhãn hiệu tập thể sẽ giúp tạo sức cạnh tranh để sản phẩm thâm nhập nhiều hơn vào thị trường trong và ngoài nước, giảm dần việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc dẫn đến khó khăn như thời gian qua”. Một số người có mặt tại buổi lễ tâm sự rằng, bản thân cũng từng băn khoăn nhiều trước khi quyết định tham gia vào nhãn hiệu tập thể. “Dù vậy, khi hiểu thấu đáo hết ý nghĩa, chúng tôi rất háo hức”, các chủ cơ sở làng tiện gỗ Nhơn Hậu nói vậy.
NGỌC TÚ