SRI ở Hoài Châu
Vụ Hè Thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI tại xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng năng suất lúa, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mô hình được triển khai thực hiện tại cánh đồng thôn Thành Sơn, với quy mô 30 ha, sử dụng giống lúa MT10, gồm 258 hộ nông dân tham gia. Với mô hình này nông dân sử dụng phương pháp “1 phải - 5 giảm - 3 tăng”. Theo đó, nông dân sẽ: Phải sử dụng giống xác nhận - Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch - Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.
Nông dân phấn khởi!
Qua tập huấn đầu vụ, khảo sát cho thấy 100% nông dân trong mô hình cho biết, trước đây, họ vẫn sạ từ 6 đến 7 kg thóc giống/sào, khi tham gia mô hình lượng thóc giống giảm xuống chỉ còn từ 4 đến 5 kg/sào. Chị Nguyễn Thị Minh Kiều, một nông dân tham gia mô hình, chia sẻ: “Gia đình tôi làm 4 sào, như mấy vụ trước tôi sạ 6 kg/sào, nay được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi chỉ dùng 4 kg/sào, tính ra 4 sào lúa tôi lợi được hơn 140 nghìn đồng tiền lúa giống. Rồi lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm. Mỗi sào một ít nên tính chung cả 4 sào lúa, gia đình tôi cũng tiết kiệm được một khoản kha khá. Trong khi năng suất và chất lượng lúa thu hoạch vẫn tốt.
Nông dân ngoài mô hình tham quan ruộng lúa thuộc mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI thôn Thành Sơn.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thi cho hay: “Hồi giờ mình vẫn có tâm lý sạ dày một chút, để rủi chết cây này thì còn cây kia. Mới đầu, theo lời của cán bộ khuyến nông, thứ gì cũng giảm, ai cũng lo năng suất, hiệu quả không đạt. Nhưng họ thường xuyên kiểm tra, cùng mình ra đồng, động viên hướng dẫn chi tiết, thuyết phục lắm nên dần dần bà con cũng yên tâm. Đến nay, thu hoạch rồi, tôi thấy cứ nghe theo lời cán bộ khuyến nông mà hay. Hiệu quả canh tác cao hơn hẳn, nếu cộng thêm khoản tiết kiệm do giảm giống, giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật… là có được một khoản tiền lớn. Đó là chưa kể giảm công lao động bơm thuốc bảo vệ thực vật. Mấy trăm hộ nông dân tụi tôi ai cũng phấn khởi”.
Qua hạch toán kinh tế, mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất lúa bình quân đạt 67 tạ/ha, cao hơn so với trung bình những vụ trước từ 2 - 3 tạ/ha. Chị Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc HTXNN xã Hoài Châu, xác nhận: “Tổng chi phí đầu tư cho mô hình gần 20,8 triệu đồng/ha, so với ruộng đối chứng thấp hơn 3,1 triệu đồng/ha, gồm giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón, giảm công lao động; trong khi đó lợi nhuận trong mô hình SRI đạt trên 22,4 triệu đồng/ha, cao hơn gần 5 triệu đồng so với ruộng ngoài mô hình”.
Thay đổi nhận thức canh tác
Có một điểm đặc biệt là mô hình SRI đã giúp tiết kiệm tới 20 - 30% lượng nước tưới so với thông thường. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước tưới ngày càng nặng, đây là điểm tích cực rất lớn. Anh Mai Văn Vinh, cán bộ nông nghiệp xã Hoài Châu, cho biết: “Hàng năm xã Hoài Châu gieo sạ gần 1.090 ha lúa, trong đó lúa 3 vụ 850 ha. Thường thường, gần đến cuối vụ Hè Thu sẽ thiếu từ 1 đến 2 đợt nước, nhưng năm nay thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài không có lượng mưa bổ sung nên hầu hết lúa Hè Thu trổ đều bị thiếu nước, tính ra vụ Hè Thu lúa ngoài mô hình thiếu tới 4 - 5 đợt nước. Thế nhưng lúa trong mô hình SRI lại đủ nước tưới. Đã giảm được lượng nước tưới trong điều kiện nắng hạn là một điểm mừng, năng suất lại cao hơn lúa ngoài mô hình từ 2 đến 3 tạ/ha là một điểm mừng nữa, cộng với khoản tiết kiệm chi phí nên “nông dân SRI” ai cũng phấn khởi. Bây giờ nhiều người đã đề nghị UBND xã làm sao để nhân rộng mô hình này ra, ai cũng khoái canh tác theo định hướng hiện đại, có sự tư vấn của các nhà khoa học!
Không chỉ năng suất cao, tăng lợi nhuận, mà thông qua các lớp tập huấn nông dân đã từng bước hoàn thiện hơn về kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, tự tin phát biểu trước đám đông cũng như chủ trì các cuộc họp nhóm bàn về canh tác. Đặc biệt, canh tác theo SRI còn giúp chị em nông dân nắm thêm được các kiến thức về giới tính, nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhờ các hoạt động lồng ghép. Hơn nữa, với SRI nông dân có ý thức tốt hơn về tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học trong quá trình canh tác ảnh hưởng đến môi trường cũng như các sản phẩm nông nghiệp làm ra.
Chị Lê Thị Thành, trưởng nhóm mô hình SRI Thành Sơn, nhận xét: “Thông thường hồi giờ phụ nữ đi tập huấn thì chỉ được nghe hướng dẫn về kỹ thuật canh tác lúa, làm đất gieo sạ, cách bón phân phòng trừ sâu bệnh… nhưng tham gia mô hình này ngoài được hướng dẫn canh tác lúa còn được truyền đạt những thông tin về bình đẳng giới, về nâng cao vai trò của phụ nữ. Qua các lớp tập huấn, với tư cách là trưởng nhóm thường xuyên theo dõi tôi thấy nhiều cặp vợ chồng đã thay đổi cách nghĩ, đã biết cùng nhau chia sẻ công việc nhà, giờ làm thì vợ chồng cùng làm, giờ nghỉ thì vợ chồng cùng nghỉ, thấy gia đình rất đầm ấm, hạnh phúc”.
THÁI NGÂN