An Lão chống hạn
Từ cuối tháng 5 đến nay trên địa bàn huyện An Lão gần như không có mưa, nắng hạn kéo dài trong nhiều tháng qua đã làm cạn kiệt các nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Người dân, chính quyền và các hội đoàn thể đang gồng mình chống hạn bảo vệ đời sống của người dân và sản xuất.
Ruộng lúa bị khô hạn tại thôn Thanh Sơn, xã An Tân, huyện An Lão.
Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Lão cho biết, toàn huyện hiện có 4.433 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có 52 công trình cấp nước tự chảy và 4.381 giếng đào, giếng khoan. Do nắng hạn kéo dài từ cuối tháng 5 đến nay đã làm cho 112 giếng khô cạn nguồn nước; các hồ thủy lợi lớn trên địa bàn huyện chỉ còn chừng 30% dung tích thiết kế. Tổng diện tích gieo sạ vụ Hè Thu là 1.050 ha, trong đó có 97,5 ha nhiều khả năng sẽ bị mất trắng.
Ở xã An Tân toàn bộ nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu lấy từ hồ Sông Vố, nay do hồ gần như đã cạn kiệt, UBND xã đã vận động dân nạo vét các tuyến kênh mương khơi thông nguồn nước, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tận dụng mọi nguồn nước để chống hạn. “Trước mắt, xã sử dụng 3 máy bơm nước do huyện hỗ trợ để bơm tưới luân phiên cho diện tích lúa và cây trồng bị khô hạn. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài như hiện nay, 36 ha lúa và hoa màu tại các thôn Thuận An, Thuận Hòa và Thanh sơn có nguy cơ mất trắng”, ông Nguyễn Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã An Tân cho hay.
Trước tình hình nắng hạn gay gắt, UBND huyện An Lão đã hỗ trợ cho các địa phương 7 máy bơm công suất lớn, hỗ trợ khoan 40 giếng để chống hạn. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động đặt thêm hơn 20 máy bơm các loại để bơm nước cứu hạn một số vùng bị khô hạn dọc các sông, suối, đồng thời trích nguồn kinh phí dự phòng, kinh phí cấp bù thủy lợi phí để cứu hạn. Đối với diện tích mất trắng do hạn hán, chính quyền các xã chủ động thống kê, tổng hợp báo cáo và đề xuất cấp trên hỗ trợ thiệt hại cho dân.
HOÀNG NAM QUỐC