Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thực hiện SDG tại Liên hợp quốc
Ngày 17.7, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc lồng ghép các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào quá trình xây dựng Kế hoạch và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tại kỳ họp cấp cao của Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN)
Tại kỳ họp với chủ đề “Tăng quyền, đảm bảo bình đẳng và toàn diện cho người dân” diễn ra từ ngày 15-19.7 gồm Hội nghị cấp Bộ trưởng và Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững, trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, đã trình bày về các phương thức của Việt Nam trong việc huy động nguồn lực công, tư cũng như các nguồn lực ngoài nước vì mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cũng giới thiệu về báo cáo: “Việt Nam-Nhu cầu chi tiêu để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG)” do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phối hợp với Việt Nam thực hiện.
Là một trong số ít các nước thực hiện được báo cáo này, Việt Nam đã xác định được nguồn lực để thực hiện các SDG cho năm lĩnh vực chính là giáo dục, y tế, giao thông, nông thôn, điện nước đến năm 2030 khoảng 108 tỷ USD; trong đó khu vực công chỉ đáp ứng 75,8 tỷ USD, nguồn lực còn thiếu có thể huy động từ khu vực tư thông qua đối tác công tư (PPP), nguồn vốn ODA và các nguồn tài chính khác.
Trong khuôn khổ Kỳ họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung và đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch Thường trực của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) ông Mahmound Mohieldin.
Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch WB đã đánh giá cao các thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế và đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, ấn tượng với Báo cáo tự nguyện của Việt Nam về thực hiện các SDG năm 2018.
Hai bên đã trao đổi về Sáng kiến của WB về thành lập Diễn đàn trao đổi giữa các nước đạt nhiều thành tựu trong thực hiện các SDG với các nước đang còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, trong đó Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cũng đã trao đổi các nội dung Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các nước như hệ thống dữ liệu về thực hiện các SDG và triển khai các mục tiêu này ở cấp địa phương. Dự kiến trong thời gian tới, đây sẽ là một kênh hợp tác Nam-Nam mà Việt Nam có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của khu vực cũng như toàn cầu.
Tại kỳ họp cấp cao của Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc năm nay, đại biểu các nước đã tập trung thảo luận nhiều thách thức mới nổi lên trong quá trình xây dựng xã hội phát triển bền vững ở các quốc gia. Đó là sự cần thiết phải đảm bảo có sự gắn kết giữa chương trình nghị sự toàn cầu với các chiến lược và ưu tiên của từng quốc gia cũng như của từng địa phương. Mỗi nước, mỗi chính phủ đều phải tìm ra những ưu tiên của mình phù hợp với các mục tiêu chung của thế giới.
Các đại biểu cũng cho rằng vấn đề phát triển các khu vực đô thị cũng là một thách thức không nhỏ đối với tiến trình thực hiện các SDG, nhất là khi quá trình đô thị hóa hiện nay đang ngày càng trở nên nhanh và phức tạp hơn rất nhiều đồng thời cần phải phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và điện Mặt trời.
Cuộc họp cũng nhất trí các quốc gia cần phải trao quyền cho cấp địa phương nhiều hơn để nâng cao nhận thức cũng như cam kết của họ đối với vấn đề phát triển bền vững đồng thời khuyến khích các nhóm người dân yếu thế cùng tham gia các hoạt động liên quan.
Đại diện các nước cũng cho rằng các SDG sẽ không thể đạt được nếu người dân không được biết một cách rộng rãi cho nên cần phải có nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân để họ hiểu được những mục tiêu này là gì và vì sao lại quan trọng đối với từng người và với cả thế giới như vậy.
Trước đó, ngày 16.7, tại cuộc họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi lãnh đạo các nước có những hành động cụ thể tạo ra những thay đổi công bằng và bền vững vì chính những người dân và vì sự sống của Trái đất.
Ông Guterres cũng khẳng định rằng phát triển sẽ không thể bền vững nếu không công bằng và toàn diện, đồng thời bất bình đẳng cũng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng dài hạn. Chính vì vậy, chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc đã đặt mục tiêu phải phát triển toàn diện, trao quyền và sự bình đẳng cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh bốn vấn đề chủ chốt cần phải thực hiện trọng thời gian tới. Đó là gia tăng đầu tư cho các mục tiêu phát triển bền vững; hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh; tăng cường tiến hành di dân an toàn, thường xuyên và có trật tự; không để ai bị bỏ lại phía sau và đạt được các SDG thông qua công tác ngoại giao và các hoạt động đảm bảo quyền con người./.
Theo Hải Vân- Hoài Thanh (TTXVN/Vietnam+)