Bộ trưởng KH-ĐT: Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác giải ngân
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm có lượng vốn lớn đã được giao kế hoạch, dự án ODA...
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm diễn ra tại Hà Nội, sáng nay (18.7), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ thực trạng giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt thấp so với yêu cầu đề ra.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ đã chủ trì thành lập một số đoàn công tác do các đồng chí Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn trực tiếp làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; rà soát báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu về vốn và tỷ lệ giải ngân cao, góp phần đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng KH-ĐT đề nghị xác định đâu là nguyên nhân chung về cơ chế, chính sách, pháp luật, đâu là nguyên nhân riêng về công tác chỉ đạo, điều hành tại các đơn vị, những khó khăn, vướng mắc của các dự án cụ thể, nhất là các dự án trọng điểm có lượng vốn lớn đã được giao kế hoạch, dự án án ODA...
"Tôi đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương nghiên cứu, tham mưu các giải pháp đối với các cấp có thẩm quyền để giải quyết sớm vấn đề, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác giải ngân, có ý kiến ngay tại Hội nghị hoặc bằng văn bản. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các đồng chí Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, đôn đốc, thúc đẩy giải ngân các dự án do bộ, ngành, địa phương mình quản lý", ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ trưởng KH-ĐT cho hay, sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, giúp thay đổi bộ mặt kinh tế của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đánh giá kết quả của 30 năm, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030", thường được gọi tắt là Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.
Chiến lược này bám sát định hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững với nhiều giải pháp mạnh mẽ, Bộ trưởng KH-ĐT nêu rõ.
"Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới dựng bộ tiêu chí chọn lọc về suất đầu tư, sử dụng lao động; xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh; nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới; ưu đãi đầu tư theo kết quả đầu ra; ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết; ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng; tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị,..", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm./.
Theo Trần Ngọc-Lê Tiên (VOV.VN)