Công tác thu nợ thuế: Chính xác, linh hoạt, đồng bộ và liên ngành
Bên cạnh những nỗ lực trong việc thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thuế, với công tác thu nợ thuế, ngành Thuế vừa kiên quyết thực hiện đúng quy định, vừa linh hoạt để hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh.
Danh sách nợ thuế đến hết ngày 30.6.2019 vừa được Cục Thuế tỉnh công khai với số nợ hơn 269 tỷ đồng (chỉ tính số còn khả năng thu). Theo đó, Văn phòng Cục thuế tỉnh có 51 DN với số nợ hơn 151 tỷ đồng, Chi cục thuế (CCT) Quy Nhơn có 51 DN, số nợ 47 tỷ đồng, CCT An Nhơn có 34 DN/hơn 40 tỷ đồng, CCT Hoài Nhơn có 14 DN/hơn 12 tỷ đồng. Đứng đầu trong danh sách nợ thuế quý II/2019 đáng kể có: Công ty CP 504 (36,4 tỷ đồng), Công ty CP Đường Bình Định (25,4 tỷ đồng), Công ty CP Dinh dưỡng sinh học Rapid Việt Nam (8,7 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư & kinh doanh tổng hợp Thương Thảo (7,8 tỷ đồng), Công ty TNHH A&B (6,1 tỷ đồng), Công ty CP Bất động sản Thành Châu (5,4 tỷ đồng).
Cán bộ thuế tư vấn để người nộp thuế hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Cổn, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), tính đến hết quý II/2019, đơn vị đã sử dụng nhiều biện pháp thu nợ gồm: Áp dụng cưỡng chế 561 DN có số thuế nợ 214,3 tỷ đồng, trong đó áp dụng cưỡng chế trích tài khoản ngân hàng 262 DN/87,3 tỷ đồng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng 283 DN/125,6 tỷ đồng; kê biên tài sản 9 DN/231 triệu đồng; đề nghị rút giấy phép đăng ký kinh doanh 7 DN/1,2 tỷ đồng.
Được biết, bên cạnh nỗ lực thu nợ thuế, ngành Thuế cũng nghiên cứu, vận dụng để tạo điều kiện giúp DN giãn nợ, hướng tới ổn định sản xuất. Muốn vậy, cán bộ thuế phải hiểu rõ tình hình của DN, phân biệt rõ trường hợp chây ỳ, tìm cách trốn thuế với nơi gặp khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Đơn cử, một DN chế biến gỗ có số nợ thuế lên đến 2,3 tỷ đồng kéo dài trên 90 ngày sẽ phải áp dụng biện pháp mạnh là phong tỏa tài khoản ngân hàng. Qua tìm hiểu, cán bộ thuế nhận thấy đặc thù hoạt động xuất khẩu là, trong một số thời điểm, nguồn tiền từ bên thứ 3 về chậm so với đơn hàng dự kiến, DN thiếu vốn, chậm đóng thuế. Khi nắm được điều này, ngành thuế hỗ trợ DN tháo gỡ bằng cách cho “trả góp” số tiền nợ thuế, kéo giảm thời gian nợ quá hạn trên 90 ngày xuống. Nhờ cách xử lý linh hoạt này, từ năm 1997 đến nay, DN này không những tiếp tục duy trì sản xuất, trả được nợ thuế mà còn tiếp tục đóng góp vào ngân sách hơn 20 tỷ đồng.
“Tính đến ngày 30.6.2019, có 669 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi. Với khoản nợ thuế này, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh tiến hành rà soát, tập hợp, khoanh nợ, đến ngày 1.7.2020 khi Luật Quản lý thuế sửa đổi chính thức áp dụng, giải pháp xóa nợ được triển khai”.
Ông Đào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh
Để thực hiện tốt công tác thu nợ thuế, chống thất thu ngân sách, ngành Thuế và các sở, ngành thuộc Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách tỉnh Bình Định đã xây dựng quy chế phối hợp, kết nối thông tin, tạo điều kiện để thu đúng, thu đủ, đảm bảo tiến độ. Theo ông Đào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh, sau cuộc họp Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách nhà nước tỉnh vào cuối tháng 5.2019, sự phối hợp liên ngành trong công tác thu thuế đã mang lại hiệu quả.
Cụ thể, Sở Tài chính giải ngân vốn đầu tư các dự án, số liệu liên quan chuyển tới cơ quan thuế để đơn vị thực hiện thu ngân sách nhà nước; ngành TN&MT hàng quý đối chiếu số lượng khoáng sản khai thác với thực tế kê khai của DN, giám sát chéo để thu thuế trong lĩnh vực cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… Ngành Thuế không còn đơn độc, việc thu ngân sách nhà nước có kết quả tốt; sự công khai, minh bạch giúp hình ảnh cán bộ thuế trong mắt người nộp thuế thay đổi và ngược lại người nộp thuế chủ động hơn với nhiệm vụ đóng góp ngân sách nhà nước.
THU DỊU