Liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư: Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Thời gian gần đây, chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, mà còn góp phần hỗ trợ nông dân nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp tại Phước Sơn - Tuy Phước đạt được kết quả thiết thực.
“Liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp” là mô hình mà Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện và một số sở, ngành đang triển khai. Theo đó, Sở Công Thương đã xây dựng 2 dự án: “DN - HTX - Nông dân tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung” (Dự án 1, thực hiện tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) và một dự án tương tự tại vùng sản xuất nông nghiệp không tập trung” (Dự án 2, thực hiện tại huyện Hoài Nhơn).
Theo ông Hồ Thiện, Phó Giám đốc HTX NN Phước Sơn 1, Dự án 1 do Sở Công Thương tổ chức, đầu tư, hỗ trợ xây dựng mô hình; Công ty Giống cây trồng miền Trung - Tây Nguyên hỗ trợ giống; HTX thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, tổ chức thu mua, phối hợp thực hiện chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất cho nông dân… Tham gia dự án có 157 hộ nông dân ở Phước Sơn. Cụ thể, Sở Công Thương hỗ trợ nông dân gần 67,4 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; còn DN thì cho mượn lúa giống trị giá gần 39,2 triệu đồng…
Tương tự, ông Đặng Quang Thông, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Tiến Thu (huyện Hoài Nhơn), chia sẻ: Dự án 2 được thực hiện tại địa bàn 3 xã Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Tân, với 40 hộ tham gia. Theo đó, 40 hộ được Công ty Tiến Thu và Cơ sở Dừa giòn Thanh Nga (xã Hoài Tân) hỗ trợ, cung ứng phân bón, vật tư và kỹ thuật để trồng 1.000 cây dừa…
Chương trình “Liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp” quả là mô hình có ý nghĩa thiết thực. Trao đổi với PV Báo Bình Định, ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Thương mại (Sở Công Thương), cho biết: Đối với Dự án 1, ruộng lúa thực hiện theo mô hình đạt năng suất lúa cao hơn (68,1 tạ/ha so với 65 tạ/ha); tổng thu đạt gần 46 triệu đồng (cao hơn ngoài mô hình gần 6,3 triệu đồng); lãi ròng hơn 26 triệu đồng (cao hơn gần 8,5 triệu đồng).
Đối với Dự án 2, theo ông Đặng Quang Thông, năng suất dừa trung bình đạt 68 quả/cây/năm (ngoài mô hình chỉ đạt 40 quả/cây/năm). Về hiệu quả kinh tế, tổng thu cho 1 ha dừa trong mô hình là trên 43,5 triệu đồng/ha (cao hơn ngoài mô hình gần 18 triệu đồng/ha); lợi nhuận 1 ha dừa trong mô hình là gần 19 triệu đồng/ha (cao hơn ngoài mô hình gần 11 triệu đồng/ha); tỷ suất lợi nhuận trong mô hình đạt 76,4% (cao hơn ngoài mô hình gần 32%).
Theo bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương, từ kết quả của 2 dự án trên, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch “Triển khai nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh - 2019”. Mục đích của Kế hoạch là nhân rộng mô hình nói trên tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và không tập trung, góp phần hỗ trợ tích cực cho các hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Theo Kế hoạch, sẽ có 2 mô hình được thực hiện. Đó là mô hình “Liên kết DN - HTX - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung” (với sản phẩm lúa) thực hiện tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước và mô hình “Liên kết DN - Hộ kinh doanh - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp không tập trung” (với sản phẩm đậu phụng), thực hiện tại huyện Phù Cát.
Hy vọng rằng, 2 mô hình trên không chỉ khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, mà còn góp phần hỗ trợ nông dân nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
VIẾT HIỀN