Xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản: Sẽ kiểm soát, xử lý quyết liệt hơn
Thời gian qua, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác là một trong những vấn đề trọng tâm mà tỉnh ta nỗ lực thực hiện nhằm gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC). Nỗ lực này tuy đạt khá nhiều kết quả, song chưa phải đã hết khó khăn.
Tháng 4.2018, Sở NN&PTNT thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá và 3 tổ thường trực tại các cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan để thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) nhằm kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản. 6 tháng đầu năm 2019, ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra 14.411 lượt tàu cá ra vào bến; cấp 54 giấy xác nhận 3.000 tấn thủy sản khai thác; 82 giấy chứng nhận cho 810 tấn thủy sản thành phẩm.
Tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Quy Nhơn kiểm tra, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.
Rất nhiều ngư dân lo lắng
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương ven biển, ngư dân đã nâng cao nhận thức tuân thủ các quy định theo luật định. Ngư dân La Văn Trí, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97358 TS, cho biết: “Lúc đầu thực hiện quy định khai báo các thủ tục xuất nhập cảng, ghi chép nhật ký KTTS… thì mới cho tàu ra khơi và cập cảng bán sản phẩm thì hầu hết ngư dân đều than vãn cho rằng rườm rà gây khó cho ngư dân. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đều đi vào nền nếp, ngư dân đều đã nhận thức đầy đủ và tự giác thực hiện theo đúng các quy định”.
“Suy cho cùng, không cần có chuyện EC kiểm tra thì mình cũng phải giữ gìn môi trường biển, nơi mình sống, sản xuất sao cho hợp vệ sinh chứ!”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU
Còn ngư dân Nguyễn Văn Việt, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, chủ 2 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ, bộc bạch: “Câu chuyện “thẻ vàng” thủy sản của EC giờ đã tác động rất lớn đến nghề biển không chỉ của Bình Định mà còn của toàn bộ ngư dân cả nước. Nhà nước đã quy định hạn ngạch giấy phép KTTS để đảm bảo tàu thuyền hoạt động đúng vùng tuyến, cũng là đảm bảo trữ lượng thủy sản để khai thác lâu dài. Bản thân ngư dân chúng tôi giờ cũng đã rất lo lắng, gặp nhau ai cũng nói chuyện “thẻ vàng”. Nếu EC tiếp tục áp đặt thẻ, nghề cá của mình rất khó phát triển, mà nếu họ áp đặt “thẻ đỏ” thì ảnh hưởng đến cả ngành kinh tế. Vậy mà nguyên nhân bắt đầu từ một nhóm nhỏ các ngư dân, chủ tàu vô ý thức!”.
Ngoài việc kiểm tra các giấy tờ, các tổ thường trực tại các cảng cá trong tỉnh còn kiểm tra thực tế khi tàu cập bến để xác nhận nguồn gốc thủy sản, nhằm quản lý 100% tàu cá xuất nhập cảng. Cảng cá sẽ không xác nhận nguồn gốc thủy sản đối với các tàu cá bị lực lượng chức năng Việt Nam cảnh báo có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá không tuân thủ các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Bình Định - phụ trách cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, cho biết: “Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song việc quản lý tàu cá thiếu giấy tờ, không có giấy tờ, tàu giã cào còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường quản lý, xử lý các loại tàu cá kể trên. Ban quản lý cảng cá sẽ lập biên bản và chuyển cho tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá xử lý các trường hợp này”.
Tập trung triển khai các giải pháp
Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Tam Quan, cảng cá Tam Quan hiện có 21 điểm bến, mỗi mùa trăng có từ 1.000 - 1.400 tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh, các điểm bến không tập trung nên việc đảm bảo giám sát 100% tàu cập cảng bán sản phẩm gặp khó khăn do thiếu người. Đơn vị cũng đã thực hiện thu gom rác thải của tàu cá xuất nhập cảng, các cơ sở mua gom thủy sản, nhưng còn lượng lớn rác thải từ các hộ dân sống dọc cảng cá, rác thải tại các khu đóng tàu vẫn chưa được thực hiện vì ngoài tầm quản lý của đơn vị. Như vậy có thể thấy, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn bởi lẽ, các thanh tra của EC có ấn tượng rất xấu với “lượng lớn rác thải từ các hộ dân sống dọc cảng cá, rác thải tại các khu đóng tàu” và họ thì không cần biết nó có “ngoài tầm quản lý của đơn vị” hay không.
Việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhằm chứng minh nguồn gốc thủy sản rõ ràng, đánh bắt trong vùng biển hợp lệ đáp ứng quy định của EC là cực kỳ quan trọng; nơi đủ điều kiện xác nhận cũng được giám sát, đánh giá rất kỹ. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sản lượng cá ngừ đại dương về cảng cá Tam Quan xác nhận rất lớn. Đây là sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu và một số nước khác, thế nên việc xác nhận nguồn gốc thủy sản rất quan trọng. Mặc dù đã triển khai thực hiện tốt các quy định về xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, nhưng thực tế cảng cá Tam Quan là khu neo đậu tàu thuyền cấp vùng kết hợp cảng cá loại 2 nhưng cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Sở đã báo cáo UBND tỉnh để có hướng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của cảng cá Tam Quan.
Để chuẩn bị thật tốt, đáp ứng các điều kiện để tiến tới tháo gỡ “thẻ vàng” EC, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản và Nghị định 42 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý tàu cá xuất nhập cảng, hoạt động mua bán thủy sản tại các cảng cá, hoạt động khai thác thủy sản trên biển, công tác vệ sinh môi trường tại các cảng cá. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định: “Tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Hoài Nhơn triển khai các thủ tục để trước mắt tiến hành nạo vét luồng lạch, sửa chữa đê kè cảng cá Tam Quan, đáp ứng các điều kiện về môi trường. Suy cho cùng, không cần có chuyện EC kiểm tra thì mình cũng phải giữ gìn môi trường biển, nơi mình sống, sản xuất sao cho hợp vệ sinh chứ!”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN