Chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng cạn: Ðiển hình Phù Cát
Xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện Phù Cát đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát diện tích đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới, kém hiệu quả, xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương, có đầu ra thuận lợi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước và lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng mô hình sản xuất các loại cây trồng cạn trên chân đất chuyển đổi để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình đã thuyết phục nông dân.
Nông dân xã Cát Hải, huyện Phù Cát thu hoạch đậu phụng.
Xã Cát Hải là địa phương được đánh giá đã thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi trên. Quá trình sản xuất, nông dân ở đây còn áp dụng nhiều biện pháp luân canh cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải, cho hay: “Có 198 ha đất sản xuất 1 vụ lúa kém hiệu quả đã được nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Diện tích này đã được nông dân xoay chuyển liên tục, hết đậu phụng, đến hành và ngược lại, nên thu nhập đạt từ 150 - 180 triệu đồng ha/năm. Nhờ vậy đời sống của người dân ngày càng khá, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu”.
Ông Võ Kế Cu, ở thôn Vĩnh Hội, chia sẻ: “Sản xuất lúa tiêu tốn nhiều nước, chi phí đầu vào cao, mà chỉ đủ ăn, nên tôi đã chuyển hết 6 sào đất sản xuất lúa sang trồng hành và đậu phụng; lắp đặt thiết bị tưới phun nước tự động trên ruộng, cây trồng được cấp đủ nước, nên phát triển tốt. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi có lãi trên 70 triệu đồng từ sản xuất hành và đậu phụng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa”.
Cùng với suy nghĩ trên, nông dân các xã: Cát Tài, Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh... cũng mở rộng diện tích cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, áp dụng các biện pháp sản xuất luân canh cây trồng, cho thu nhập khá. Riêng tại xã Cát Tài đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con giải quyết đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập và yên tâm tái đầu tư sản xuất.
Vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu năm 2019, nông dân huyện Phù Cát đã chuyển đổi hơn 2.100 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn. Cách làm này đã giảm được áp lực về nước tưới, công lao động, đồng thời hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Phù Cát tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa bấp bênh, mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 sản xuất ổn định khoảng 1.200 ha bắp, 4.400 ha đậu phụng, 550 ha ớt, 450 ha hành…
PHẠM TIẾN SỸ