Phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thị: Đặt kiên nhẫn lên đầu
Làm thế nào để trẻ khiếm thị, nhất là trẻ khiếm thị đa tật tăng khả năng hòa nhập, tự phục vụ bản thân là trăn trở của hầu hết người nhà của trẻ. Vừa qua, một lớp tập huấn phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thị lần đầu tiên được tổ chức ngay tại tỉnh đã mang đến nhiều niềm vui, bước đầu giúp các phụ huynh có kiến thức, kỹ năng giúp con phục hồi.
Trẻ khiếm thị và phụ huynh cùng vận động cơ thể trong đầu giờ học.
Tận tình
Phụ trách hướng dẫn cho trẻ khiếm thị và người nhà tại lớp tập huấn là hai giáo viên của Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng (TP Hồ Chí Minh) - bà Hoàng Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Thanh Hương (cùng 52 tuổi). Tốt nghiệp Trường Perkins School for the blind (trường học lâu đời dành cho người khiếm thị, giáo viên của người khiếm thị tại Hoa Kỳ), có thâm niên trong công tác hỗ trợ cho trẻ khiếm thị, ngay từ buổi học đầu tiên, cả hai giáo viên đều dễ dàng khơi dậy hứng thú vận động, khám phá thế giới xung quanh của trẻ khiếm thị.
Đầu giờ học, trẻ khiếm thị theo lời hướng dẫn, âm thanh phát ra từ lục lạc cùng chạy, nhảy thật mạnh, thật nhanh để xả hết những năng lượng đầu ngày, tăng khả năng tập trung khi bước vào phần học liên quan xúc giác. Nếu trong giờ vận động, nhiều trẻ khiếm thị đa tật đã được cha mẹ sát cánh, nâng đỡ trong mỗi bước chạy, bước nhảy thì đến giờ rèn luyện cho đôi bàn tay khéo léo, các phụ huynh lặng lẽ quan sát, cổ vũ để con hoàn thành các bài tập. Nhiều phụ huynh ánh mắt lấp lánh, bật cười rạng rỡ khi con mình gõ đúng những nhịp phách, dõng dạc hoặc bẽn lẽn hoàn thành bài giới thiệu về bản thân.
Bà Hoàng Thị Kim Thoa cho biết: “Các năm trước, Hội người mù Bình Định và nhiều tỉnh khác đưa các cháu và phụ huynh vào tập huấn phục hồi chức năng tại Trung tâm. Chúng tôi nhận thấy, dù được hỗ trợ ăn, ở, đi lại nhưng phụ huynh và các cháu rất vất vả. Vì đường sá xa xôi, nhiều phụ huynh không thể sắp xếp được thời gian để đưa cháu đi tập huấn. Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi quyết định phối hợp với Hội người mù các tỉnh mở lớp ngay tại tỉnh để nhiều trẻ có cơ hội tập huấn phục hồi chức năng. Trong thời gian khoảng 1 tuần, chúng tôi tập trung dạy các kỹ năng: Phát triển ngôn ngữ, vận động thô, vận động tinh, massage trị liệu, tìm hiểu môi trường xung quanh và kỹ năng tự phục vụ”.
Ông Ngô Văn Uẩn sát cánh, động viên con trai trong khóa tập huấn.
Không từ bỏ hy vọng
Dẫn con trai từ thôn 4 xã An Dũng, huyện An Lão xuống TP Quy Nhơn để tham gia lớp tập huấn, chị Đinh Thị Sân (29 tuổi) bất ngờ với rất nhiều điều. Chị lần đầu tiên nghe con nói bằng tiếng Việt, lần đầu tiên nghe nói về xoa bóp trị liệu để phục hồi chức năng cho con và vui mừng vô kể khi con trai được đánh giá tốt về các kỹ năng, là một trong 4 trẻ được Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng nhận vào học nếu gia đình đồng ý.
Một mình chăm cho hai cháu sinh đôi đều bị khiếm thị để mẹ cháu yên tâm mưu sinh, bà Bùi Thị Trái (61 tuổi, ở thôn Quy Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước) gần như quá tải mỗi ngày. Bà tâm sự: “Cả hai cháu đều mắc nhiều dạng tật. Một cháu tăng động. Cháu còn lại bị teo tứ chi. Chăm cho cháu những nhu cầu tối thiểu, tôi gần như không có thời gian để nghĩ đến những thứ khác. Đi tập huấn mới thấy, việc mình làm được bấy lâu nay là chưa đủ. Tôi cần phải massage tay, chân cho cháu, tập đi cùng cháu mỗi ngày, dạy cháu tự vệ sinh cá nhân... Học cùng các cô mấy ngày, đứa cháu bị teo cơ đã không còn bám riết bà, dám đặt chân xuống đất để bà dìu đi, chạy cùng các bạn”.
Sau lớp tập huấn, ông Ngô Văn Uẩn (50 tuổi, ở thôn Diên Khánh, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, cũng là người khiếm thị) cùng vợ (bị khuyết tật tay) ra sức tập luyện cùng con theo bài tập mà các giáo viên đã hướng dẫn. Khác với trước, thay vì ngủ hoặc nằm lì trên giường đến tận 12 trưa mới dậy, con trai Ngô Tuấn Tài (15 tuổi) của ông đã thức dậy vào lúc 7 giờ sáng, tập thể dục rồi ăn sáng và bước vào các bài luyện tập, xoa bóp.
Ông Uẩn bảo: “Tôi và vợ cố gắng sáng tạo. Ví dụ, với bài tập tự giới thiệu về mình, ngoài thông tin cơ bản về cháu, ba mẹ, chỗ ở, tôi phác họa cho cháu hình dung về khu dân cư mình ở, những gia đình hàng xóm của mình. Con trai tôi còn bị tự kỷ nên không thể đòi hỏi quá nhanh, quá nhiều thứ. Nhưng, với những kỹ năng đã được trang bị, tôi hy vọng cháu sớm sẽ biết tự phục vụ cho chính mình”.
Bà Mai Thị Bích Thu, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, chia sẻ: “Một số phụ huynh, nhất là những phụ huynh có con là trẻ khiếm thị đa tật có tâm lý buông xuôi, phó mặc cho số phận. Thực tế, có những trường hợp trẻ khiếm thị, nhờ can thiệp đúng cách, sau một thời gian đã có những cải thiện đáng kể. Trên hành trình phục hồi chức năng cho con, phụ huynh trẻ khiếm thị phải giữ tinh thần nhẫn nại, không bỏ cuộc. Đây là yếu tố then chốt giúp con tốt hơn ngày hôm qua”.
NGUYỄN MUỘI