Hội An một khúc tâm tình
Có nhiều thứ ở phố cổ này hấp dẫn du khách, từ đường nét kiến trúc, sắc màu văn hóa đến hương vị ẩm thực. Chưa cần tìm hiểu gì nhiều, cầm trên tay chiếc vé thăm phố cổ, bạn đã có ngay những điểm nên check-in: Chùa Cầu, nhà cổ, hội quán và bảo tàng.
Phố cổ Hội An hấp dẫn du khách nhờ kiến trúc độc đáo.
Bảo tàng trong lòng phố
Tạo ấn tượng mạnh nhất trong những bảo tàng của phố cổ phải kể đến Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch (số 80 Trần Phú) - một ngôi nhà với kiến trúc đặc trưng cho kiến trúc phố cổ Hội An được xây dựng cuối thế kỷ XIX. Năm 1995, với sự hợp tác của các chuyên gia Nhật Bản, ngôi nhà này trở thành nơi trưng bày gốm sứ mậu dịch với hơn 268 hiện vật gốc phát hiện tại các di tích khảo cổ ở Hội An từ thế kỷ IX - XIX.
Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch trong lòng phố với mô phỏng thuyền buôn, gốm sứ, bản đồ.
Những hiện vật, thông tin, tư liệu trưng bày đã tái hiện lại một thời kỳ tấp nập giao thương gốm sứ tại Hội An vào những thế kỷ trước. Những hiện vật gốm tinh xảo, có niên đại hàng trăm năm tuổi kết hợp với bản đồ giao thương của các thương gia Nhật Bản… đã truyền thông điệp về một thời hưng thịnh gắn liền với con đường gốm sứ mậu dịch trên biển. Ở đó những hiện vật gốm Việt còn cho ta biết sự khéo léo, tinh tế của nghệ nhân Việt Nam trong chế tác gốm dưới triều đại nhà Nguyễn.
Bạn cũng có thể ghé Bảo tàng Văn hóa Dân gian (33 Nguyễn Thái Học), Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh (149 Trần Phú), Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa (10B Trần Hưng Đạo) để kịp thấy một Hội An lừng lẫy trôi qua trong mắt bạn. Một phần lịch sử hình thành, phát triển của thương cảng từng xuất hiện trên tất cả những hải đồ mậu dịch nổi tiếng nhất thế giới - Hội An.
Điểm tham quan Rừng dừa bảy mẫu.
Tour Quy Nhơn - Hội An
Vé xe khứ hồi Sơn Tùng: 360 nghìn đồng/người; lưu trú homestay/villa vùng ven phố: 450 nghìn đồng/phòng; vé tham quan phố cổ: 80.000 đồng/người; ăn uống với mức giá từ 20.000 - 40.000 đồng/món; để di chuyển bạn nên chọn dịch vụ Grabbike; muốn tự túc có thể thuê xe máy riêng với giá 150 nghìn đồng/xe/ngày.
Nếu bạn xuất phát từ Quy Nhơn, muốn ra Hội An khám phá những điều hấp dẫn trên, bạn có thể lên tour tự túc khoảng 2 ngày - 1 đêm. Bạn đón xe khách chất lượng cao Quy Nhơn - Hội An (hoặc Đà Nẵng), xuống xe ở ngay ngã 3 - QL 1A (đoạn qua xã Điện Minh, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), sau đó di chuyển bằng phương tiện trung chuyển về tới Bến xe buýt Hội An, cách trung tâm phố cổ chừng 5 km.
Sở dĩ nên chọn như vậy vì từ đây, bạn có rất nhiều điểm lưu trú phù hợp để lựa chọn, tất cả các điểm lưu trú đều có xe đạp cho bạn mượn miễn phí. Còn nếu vào nghỉ trong phố cổ, có lẽ bạn phải chuẩn bị thật nhiều tiền! Ngày thứ nhất, bạn sẽ khám phá phố cổ Hội An, đi dạo ven sông, nghe đánh bài chòi khi đêm xuống. Dưới ánh đèn đêm, phố cổ lung linh, huyền hoặc. Nếu đi mỏi bạn nghỉ chân ở một con hẻm nhỏ, trò chuyện với người bán hàng, thưởng thức ly nước mát trong những ly giấy kèm ống hút tre, một cách ứng xử thân thiện với môi trường. Ngày thứ hai, bạn nên đến thăm những điểm đến thú vị như Di tích Rừng dừa bảy mẫu, một vùng sông nước và rừng dừa nước xanh, các bà, các mẹ lắc thúng chở khách qua những con rạch len giữa rặng dừa. Đi hết “rừng dừa miền Tây của Hội An”, bạn nên đến Làng rau sạch Trà Quế, ở đây bạn gặp nhiều du khách, chủ yếu là khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng quê; khám phá Công viên gốm kỳ thú Thanh Hà, nơi có nhiều kỳ quan thế giới thu về trong một công viên gốm, nơi có những con tò he độc đáo của Hội An được nhào nặn từ bàn tay của những người thợ gốm ở Thanh Hà; thăm xưởng chế tác đồ tre…
Tác giả có cơ hội chơi nhạc cụ với nghệ sĩ đường phố đến từ Đan Mạch tại xưởng chế tác đồ tre Tamboo.
Toàn bộ chi phí một chuyến đi từ Quy Nhơn - Hội An mà tôi vừa kể, vừa tự trải nghiệm chừng 2 - 3 triệu đồng/người/chuyến. Đủ rẻ để bạn thử một lần đến với thành phố du lịch nằm trong nhóm 15 điểm đến của thế giới, phải không?
THU DỊU