Trò chuyện với nhà văn Trần Như Luận
Sau các tác phẩm: Như là để tỏ tình, Dấu ấn tuổi 17, Thầy Gotama và 8.000 đệ tử… nhà văn Trần Như Luận - hội viên Hội VHNT Bình Ðịnh vừa cho ra mắt tiểu thuyết “Ðời vớ vẩn” (NXB Hội Nhà văn ấn hành). Nhân dịp này, PV Báo Bình Ðịnh đã trò chuyện với anh.
Nhà văn Trần Như Luận qua nét vẽ của Viết Hiền.
* Hình như các bệnh nhân của anh ít biết rằng “cái ông đang khám bệnh cho mình” là một nhà văn, anh đến với văn chương từ khi nào, thưa anh?
- Khoảng 14 - 15 tuổi, khi còn ở Huế tôi đã làm thơ và gửi cộng tác cho một số báo, như: Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thằng Bờm, Ngàn Thông… Năm 1972, tôi đã chuẩn bị xong bản thảo tập truyện dài “Đưa em vào hạ”, tiếc là do hoàn cảnh chiến tranh và do tuổi còn nhỏ nên tôi để thất lạc tập bản thảo này.
* Có nghĩa “Như là để tỏ tình” không phải là tác phẩm đầu tay?
- Đúng vậy. Tập “Như là để tỏ tình” do Sở VH&TT Bình Định cấp giấy phép và in năm 1993. Tập thơ có thể coi là dấu ấn một chặng đường 15 năm sáng tác thơ của tôi (từ 15 tuổi đến 30 tuổi). Từ 150 bài thơ, tôi nhờ vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang chọn ra 50 bài để in vào tập “Như là để tỏ tình”. Sau đó đến năm 2007 tôi xuất bản tập “Dấu ấn tuổi 17”.
* Tiếp đó là “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử”? Vì sao anh lại chọn đề tài liên quan đến tôn giáo?
- Tôi viết tập truyện này khoảng 6 năm (từ 2006 đến 2012), khi xuất bản sách dày 1.200 trang, chia làm 2 tập. Thực ra, đây không phải là một tập sách thuần túy về tôn giáo. Tôi say mê triết lý nhà Phật nên với “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử” tôi muốn gửi gắm rằng Phật giáo đã trải qua một chặng đường dài 2.500 năm và nay đã biến dạng khá nhiều… Điều đáng mừng là tập truyện đã được trao giải A Giải thưởng VHNT “Đào Tấn - Xuân Diệu” lần thứ V (2011-2015). Đặc biệt, đây là tập sách mà tôi phát hành có… lãi (cười sảng khoái).
* Còn đối với tiểu thuyết “Đời vớ vẩn” thì sao?
- Khác với “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử”, tôi viết tập tiểu thuyết này chỉ trong vòng 4 tháng. Tiểu thuyết đề cập đến khá nhiều vấn đề: Từ chuyện làm ăn kinh tế đến “tình hình biển Đông”; chuyện tình yêu của sinh viên đương đại, nhất là kiểu “sống thử” của họ. Đồng thời, qua những cuộc tình vội vàng đó, họ đã khám phá được những gì và mất những gì…
Giữa “thời đại bùng nổ thông tin” như hiện nay, tiểu thuyết càng trở nên “kén người đọc”. Đa số người dân chỉ thích lên mạng đọc những thông tin ngắn, gọn; kiểu như thức ăn nhanh, ít người thích nhẩn nha nếm trải, thưởng thức và chiêm nghiệm! Đồng thời, có quá nhiều loại hình nghệ thuật mới ra đời nên người ta có nhiều sự lựa chọn. Những người thực sự yêu thích văn học có lẽ mới dành thời gian cho tiểu thuyết. Tôi nghĩ, đây là thử thách không nhỏ đối với những người viết văn.
* Xin phép được tò mò một chút, thần tượng văn học của anh là ai?
- Tôi rất thích lối viết của Franz Kafka và Milan Kundera, họ đều sinh tại Czech. Ở trang bìa của “Đời vớ vẩn” tôi trích dẫn một câu của Milan Kundera nói về tiểu thuyết: “Lẽ tồn tại duy nhất của tiểu thuyết là nói ra những điều chỉ tiểu thuyết mới nói được”. Đồng thời, Milan Kundera quan niệm “Tiểu thuyết như là một chiêm nghiệm có tính thơ về sinh tồn”. Vì vậy, trong “Đời vớ vẩn” tôi đã trích một câu nói rất thơ của nhân vật Huyền Mây: “Giữa Biển và Phố tôi chọn Biển. Cũng như giữa Bầu trời và Lòng người, tôi chọn Bầu trời. Vì tôi vốn là mây…”…
* Anh sẽ viết tiểu thuyết chứ?
- Tôi nghỉ hưu từ năm 2015. Hàng ngày, tôi đến làm việc tại phòng khám, tối về nhà thì kiểm tra, xem lại những trường hợp đã khám trong ngày, coi có điều gì chưa ổn… Tôi thường viết vào sáng sớm (khoảng 4 giờ đến 7 giờ). 8 giờ sáng tôi mới đến phòng khám làm việc. Tôi đang viết 2 tập tiểu thuyết, gồm: “Gương mặt loài Homo Sapriens“ và “Đại hư vô”. Trong đó, “Gương mặt loài Homo Sapriens“ có 320 trang, đã hoàn thành bản thảo và tôi đang đọc lại.
* Xin cảm ơn anh!
Đôi nét về nhà văn Trần Như Luận:
Sinh năm 1955. Quê quán: Thừa Thiên Huế. Tối nghiệp trường Ðại học Y khoa Huế năm 1980. Hiện là Chi hội phó Chi hội Văn học (Hội VHNT Bình Ðịnh). Tác phẩm chính: “Như là để tỏ tình” (thơ 1993); “Dấu ấn tuổi 17” (truyện dài 2007); “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử” (tiểu thuyết 2014); “Tuổi của tình yêu và 13 truyện ngắn khác” (tập truyện 2015); “Ðời vớ vẩn” (tiểu thuyết 2019).
Ngoài ra, còn có tác phẩm góp mặt trên nhiều báo, tạp chí (Tuần báo Văn Nghệ, Văn Nghệ TP HCM, Kiến Thức Ngày Nay, Sông Hương, Non Nước; Quán Văn….) và các tuyển tập: “Tuyển Truyện ngắn hay báo Văn Nghệ”, “1000 nhà thơ Huế đương thời”… Giải thưởng: Giải A Giải thưởng VHNT Ðào Tấn - Xuân Diệu lần thứ V (2011-2015).
VIẾT HIỀN (Thực hiện)