Cấp bách phòng chống sốt xuất huyết
Chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện dịch sớm và kịp thời khống chế, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, chết do sốt xuất huyết; đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống... là những yêu cầu cấp bách khi dịch sốt xuất huyết Dengue được cảnh báo bùng phát trên diện rộng.
Lan rộng, diễn biến phức tạp
Thời điểm hiện tại, trong khi TX An Nhơn - điểm nóng dịch sốt xuất huyết (SXH) toàn tỉnh - chững lại, thì địa phương đứng thứ 2 về ca mắc và ổ dịch là Hoài Nhơn vẫn không giảm. Đến nay, huyện này có 775 ca bệnh và 47 ổ dịch, so với cùng kỳ năm trước tăng 8 lần số ca bệnh và 15 lần số ổ dịch. Theo kỹ sư Nguyễn Tự Trọng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT huyện Hoài Nhơn), dịch bệnh SXH tiếp tục lây lan diện rộng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điển hình là xã Hoài Hải, từ tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 có tới 35 ca mắc bệnh, 4 ổ dịch tại 4/5 thôn của xã. “Chúng tôi đã lập kế hoạch triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống SXH trên địa bàn huyện; xử lý chủ động tại Tam Quan, Tam Quan Bắc và Hoài Hải”, ông Trọng cho hay.
Phun hóa chất diệt muỗi chủ động đến từng nhà dân để chống dịch SXH tại huyện Hoài Nhơn.
Cùng với Hoài Nhơn, diễn biến dịch SXH ngày càng phức tạp ở các huyện miền núi từ cuối tháng 6 đến nay. Tại huyện Vân Canh, đã có 167 ca mắc SXH, 10 ổ dịch; huyện Vĩnh Thạnh ghi nhận 151 ca bệnh, 16 ổ dịch; huyện An Lão thấp nhất cũng đã có 61 ca bệnh, 7 ổ dịch. Bác sĩ Nguyễn Thị Cường, Phó Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh cho biết, SXH tuy không phải là loại dịch bệnh mới nhưng địa bàn xảy ra ngày càng rộng, thời điểm bùng phát cũng ở cả 4 mùa chứ không cố định như trước đây. Trong khi đó, ý thức của người dân về vệ sinh môi trường phòng ngừa dịch chưa cao, còn ỷ lại vào ngành Y tế nên địa phương gặp khó khăn trong công tác dự phòng, ngăn ngừa bệnh lây lan.
Xử lý các vật dụng đọng nước, chứa nước trong mỗi gia đình là cách hiệu quả để diệt lăng quăng, phòng, chống SXH.
Ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế tử vong
Bình Định hiện bước vào mùa cao điểm dịch SXH. “Số ca mắc cao thì chắc chắn sẽ kéo theo số ca tử vong cũng tăng, do đó nhiệm vụ cấp bách là phải hạn chế số ca mắc thì mới có thể chặn được dịch bệnh SXH, hạn chế tử vong. Đặc biệt các cơ sở y tế tư nhân phải giám sát chặt, phát hiện sớm, điều trị và chuyển viện kịp thời ca bệnh SXH. Các TTYT phải giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, đảm bảo phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng...”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nhận định.
Ðến hết ngày 19.7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 4.000 ca mắc SXH (tăng 3.073 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018), 215 ổ dịch. 147/159 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố đã có ca bệnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bùi Ngọc Lân, để hạn chế dịch SXH cần tổng hợp các giải pháp, gồm chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, xử lý triệt để ngay khi phát hiện ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Củng cố và triển khai hoạt động của mạng lưới cộng tác viên phòng chống dịch SXH tại cộng đồng.
Từ nay đến tháng 8.2019, chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chủ động được triển khai đồng loạt tại 24 xã, phường, thị trấn trọng điểm. “Đặc biệt, chúng tôi chú trọng tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Chỉ khi người dân cùng chung tay thực hiện hiệu quả diệt lăng quăng, muỗi tại gia đình thì mới khống chế được dịch SXH”, ông Lân nhấn mạnh.
MAI HOÀNG