Nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công của tỉnh: Tập trung cho khâu yếu
Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh, góp phần xây dựng bộ máy hành chính công khai, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả là vấn đề quan trọng đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) là bộ chỉ số đo lường, đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam. Theo kết quả công bố PAPI năm 2018, Bình Định ở nhóm thấp nhất, với 41,04/80 điểm. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND cải thiện và nâng cao PAPI của tỉnh.
Tập trung cho 2 nội dung mới
Bên cạnh 6 chỉ số nội dung như những năm trước (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công), PAPI 2018 có thêm 2 chỉ số mới là quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Cần thực hiện tốt quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.
- Trong ảnh: Đối thoại với người dân xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) về khai thác cát tại địa phương.
“Kết quả ở 2 chỉ số nội dung mới này của Bình Định đặc biệt thấp”, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách thuộc Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam, nêu rõ. Cụ thể, quản trị môi trường chỉ đạt 4,02/10 điểm; quản trị điện tử còn thấp hơn: 2,73/10 điểm.
Thực tế đó đặt ra những yêu cầu bức thiết trên từng lĩnh vực cụ thể để nâng cao hiệu quả về quản trị môi trường. Trong đó, quan trọng là tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường. Đồng thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc xã hội. Cùng với đó là tăng cường đối thoại, phối kết hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm…
Trong khi đó, để đẩy mạnh quản trị điện tử, cần hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN. Nhiệm vụ chủ yếu là quản lý thống nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh đến xã theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là nâng cấp, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với các cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Để đẩy mạnh quản trị điện tử, cần hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.
- Trong ảnh: Công chức UBND xã Cát Thành (huyện Phù Cát) dùng phần mềm theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Thực hiện nhiệm vụ này, tổ công tác do Văn phòng UBND tỉnh thành lập đang tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình, thực trạng về hạ tầng, thiết bị, nhân lực công nghệ thông tin và quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại UBND 11 huyện, thị xã, thành phố. Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình, trên cơ sở kết quả khảo sát, tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh lộ trình, kế hoạch triển khai xây dựng phần mềm một cửa điện tử tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện.
Phát huy vai trò người đứng đầu
Bên cạnh 2 nội dung mới, từng lĩnh vực cụ thể trong 6 nội dung thành phần còn lại của PAPI đều phải được quan tâm đúng mức với những yêu cầu cụ thể. Đáng chú ý, trong cải cách thủ tục hành chính, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho bộ phận một cửa các cấp, nhất là cấp xã; nâng cao năng lực và kỹ năng ứng xử cho đội ngũ công chức cấp xã trong cung ứng dịch vụ cho người dân.
Ông Phạm Trương, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn, khẳng định: “Có những chỉ số thành phần để cải thiện thực sự không tốn kém gì, quan trọng là thái độ lắng nghe người dân tại nơi tiếp xúc trực tiếp. Phải thừa nhận nhiều người giao tiếp với dân chưa tốt, nhất là công chức trẻ mới vào nghề. Phải tập trung vào đối tượng này”.
Ông Trương cũng cho rằng, Hội nghị phân tích PAPI, Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh và công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2018 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh được tỉnh tổ chức giữa tháng 6.2019 là một sự kiện mang tính cột mốc, “đánh thức” lãnh đạo địa phương trong thực thi các nhiệm vụ liên quan, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu.
Cũng liên quan đến người đứng đầu, Kế hoạch số 53/KH-UBND nhấn mạnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân. Cụ thể, phải thực hiện tốt quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết có hiệu quả những khúc mắc, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Tại trụ sở UBND xã Cát Thành (huyện Phù Cát), lịch tiếp công dân của Bí thư Đảng ủy xã được niêm yết công khai (ngày 6 và 21 hằng tháng). Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo chủ chốt của xã nêu gương trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến nay, xã đã tập trung giải quyết thành công 98% các vụ việc bức xúc, tồn đọng kéo dài (chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường...). “Thời gian tới, chúng tôi chú trọng thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống”, ông Hùng cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG