Tăng cường bảo vệ môi trường tại các làng nghề
Dù có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn tác động xấu đến môi trường khu dân cư. Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân tại các làng nghề tăng cường hơn nữa việc bảo vệ môi trường để hoạt động sản xuất ổn định, bền vững.
Ảnh hưởng môi trường
Trên địa bàn tỉnh hiện có 67 làng nghề, trong đó có 46 làng nghề được công nhận. Lĩnh vực hoạt động của các làng nghề gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
BVMT là một trong những điều kiện quan trọng để các làng nghề hoạt động sản xuất ổn định, bền vững.
- Trong ảnh: Phơi bún tại làng nghề bún bánh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn).
Các làng nghề phân bố trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn, nằm đan xen trong khu dân cư, được quy hoạch dựa trên hiện trạng khu dân cư có tỷ lệ cao các hộ gia đình cùng hoạt động sản xuất một ngành nghề. Hầu hết các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường (BVMT) theo đúng quy định.
Tại các làng nghề, loại hình sản xuất, kinh doanh là kinh tế hộ gia đình có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, hạn chế về kinh tế nên khó khăn trong đầu tư xử lý chất thải. Nguồn kinh phí của các địa phương hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý tập trung chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này khiến phát sinh nhiều chất thải ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các khu dân cư nơi có làng nghề; nhất là tại các nơi chế biến thực phẩm như bún tươi, bánh tráng, tinh bột mì, nước mắm...
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), do nhiên liệu chính được sử dụng tại các làng nghề là củi, than, mùn cưa… nên quá trình đốt làm phát sinh bụi, khí CO2, SO2, NOx, CO gây ô nhiễm môi trường không khí. Tại những làng nghề chế biến nông lâm sản, thực phẩm, việc phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải, chất thải rắn có hàm lượng hữu cơ cao đã tạo ra khí H2S, NH3 gây mùi tanh hôi khó chịu. Ngoài ra, đa số các hộ làm nghề chế biến thực phẩm còn kết hợp chăn nuôi ngay sát khu vực sản xuất nên gia tăng ô nhiễm không khí. Nước thải chăn nuôi xả ra môi trường nhưng chưa xử lý theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, các chỉ tiêu hữu cơ và coliforms vượt chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường nước ngầm.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý
Theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, công tác quản lý tại các làng nghề do UBND cấp xã thực hiện. Theo đó, UBND cấp xã phải lập phương án BVMT làng nghề, sau đó trình UBND cấp huyện xác nhận. Tuy nhiên, theo nhiều địa phương có làng nghề, tại cấp xã, nhiệm vụ quản lý về BVMT do 1 cán bộ địa chính - xây dựng kiêm nhiệm nên không sâu sát, gặp nhiều khó khăn. Ở các huyện, thị xã hầu hết cũng chỉ có 1 cán bộ chuyên trách môi trường nên khó đảm bảo việc tham mưu, quản lý lĩnh vực BVMT nói chung, làng nghề nói riêng.
UBND tỉnh đã có chủ trương chấm dứt hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột mì nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường tại xã Bình Tân, Bình Thành (huyện Tây Sơn).
- Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất tinh bột mì tại xã Bình Tân.
Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn của UBND tỉnh còn thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về BVMT tại các làng nghề và nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT cho các làng nghề còn hạn chế. Đến nay, mới có 23 làng nghề được phê duyệt phương án BVMT và 4 làng nghề được phê duyệt đề án BVMT chi tiết theo quy định.
“Thời gian tới, UBND các huyện, thị xã và các ngành triển khai đồng bộ công tác BVMT tại các làng nghề theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT. Chú trọng công tác phân loại làng nghề về môi trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Rà soát, yêu cầu các làng nghề chưa xây dựng phương án BVMT khẩn trương thực hiện, hoàn thành trong năm 2019”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Để từng bước tháo gỡ khó khăn, hằng năm, Sở tổ chức tối thiểu 1 lớp tập huấn về công tác BVMT cho cán bộ quản lý môi trường cấp huyện, xã để nâng cao năng lực của đội ngũ này. Đồng thời, triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Xác lập một số điểm quan trắc nước mặt, nước ngầm, không khí tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại một số làng nghề. Năm 2018, tỉnh đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải với công suất 120 m3/ngày đêm tại làng nghề bún tươi Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn). Tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương lập dự án xây hệ thống xử lý nước thải tại làng nghề chế biến hải sản khô Mỹ An (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ). Đặc biệt, kiên quyết xử lý đối với những làng nghề hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đơn cử, năm 2017, UBND tỉnh quyết định dừng hoạt động đối với 168 hộ dân sản xuất bột mì tại xã Hoài Hảo, Hoài Tân, Hoài Thanh (Hoài Nhơn) do để phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mới đây, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3762/UBND-KT ngày 2.7.2019, thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột mì nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường tại xã Bình Tân, Bình Thành (Tây Sơn).
VĂN LỰC