Lợi ích kép từ đầu tư điện mặt trời áp mái
Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, vì vậy nhiều người đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Giải pháp này đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định cho sinh hoạt gia đình, nếu sản lượng điện còn dư thì bán lại cho ngành điện.
Lắp đặt hệ thống mặt trời áp mái tại một hộ gia đình trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã quyết định đầu tư hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Định, hiện toàn tỉnh đã có 231 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đăng ký hồ sơ bán điện dư cho ngành điện, với tổng công suất 1.570 kWp. Sản lượng điện bán lên lưới điện quốc gia đạt 68.265 kWh, Công ty Điện lực Bình Định đã chi trả cho khách hàng hơn 145 triệu đồng. TP Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ… là những nơi có nhiều khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.
Ông Lê Quang Hải (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) là một trong những người tiên phong lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ở hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 5.2018, gia đình ông Hải đầu tư 65 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà diện tích 20 m2, công suất 3,3 kWp, tạo ra sản lượng điện hơn 500 kWh/tháng. Tuy nhiên, gia đình chỉ sử dụng 300 kWh/tháng để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, còn dư 200 kWh/tháng bán cho ngành điện (đến nay đã được chi trả gần 5 triệu đồng). “Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời đảm bảo nguồn điện cho sinh hoạt, đồng thời hàng tháng gia đình còn tiết kiệm được 400 - 500 nghìn đồng”, ông Hải cho biết.
Tương tự, gia đình ông Đặng Công Thuận (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) cũng vừa đầu tư 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, công suất 3 kWp, tạo ra sản lượng điện 450 kWh/tháng. Ông Thuận vui vẻ chia sẻ: “Hàng tháng, gia đình chỉ sử dụng hết 300 kWh, còn dư bán 150 kWh, tiết kiệm được 300 nghìn đồng. Việc lắp đặt các tấm pin năng lượng trên mái nhà còn góp phần chống nóng cho ngôi nhà”.
Một ngôi nhà ở huyện Phù Mỹ vừa được lắp đặt hệ thống pin năng lượng điện mặt trời áp mái.
Theo khảo sát của ngành điện, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại các địa phương trong tỉnh đang tăng rất cao. Nhiều hộ gia đình đã tìm hiểu về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái sao cho đủ dùng và có dư để bán lại.
Theo Công ty Điện lực Bình Định, tùy vào diện tích mặt bằng mái nhà cũng như công suất thiết bị sử dụng điện trong nhà mà tính công suất cần phải đầu tư. Bình quân khoảng 8 m2 thì đầu tư được công suất 1 kWp. Ví dụ với công suất 5 kWp (cần khoảng 40 m2 mặt bằng mái nhà) thì đủ cung cấp đồng thời cho khoảng 10 bóng đèn (200W), 2 máy lạnh (2.000W), 1 tủ lạnh (500W), tivi, bếp từ, quạt gió (tổng 1.300W). Nếu khách hàng không sử dụng hết sản lượng điện phát ra thì lượng điện dư sẽ được phát ngược lên lưới điện quốc gia, được công tơ đo đếm để sau đó ngành điện tính toán chi trả tiền cho khách hàng theo từng tháng.
Ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết: “Thủ tục bán điện từ hệ thống điện mặt trời áp mái cho ngành điện hiện khá đơn giản. Khi khách hàng đăng ký lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và làm hồ sơ đề nghị bán điện, công ty sẽ tiến hành khảo sát và thỏa thuận đấu nối. Sau đó, lắp đặt công tơ 2 chiều và tổ chức ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng. Đồng thời, tiến hành kiểm tra đủ điều kiện sẽ đấu nối vào lưới điện quốc gia. Hàng tháng, nhân viên điện lực ghi chỉ số công tơ 1 lần và sẽ tính toán, chi trả tiền cho khách hàng qua tài khoản ngân hàng”.
N. HÂN